Quyết định 1207/QĐ-BYT năm 2021 về phê duyệt Kế hoạch triển khai điều trị viêm gan vi rút C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ, giai đoạn 2021-2023 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1207/QĐ-BYT
Ngày ban hành 09/02/2021
Ngày có hiệu lực 09/02/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Đỗ Xuân Tuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1207/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN VI RÚT C TRÊN NGƯỜI BỆNH ĐỒNG NHIỄM HIV/VIÊM GAN VI RÚT C DO DỰ ÁN QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG AIDS, LAO VÀ SỐT RÉT TÀI TRỢ, GIAI ĐOẠN 2021-2023

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định s5012/QĐ-BYT ngày 20/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm gan vi-rút C”;

Căn cứ Quyết định số 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS”;

Căn cứ Quyết định số 2740/QĐ-BYT ngày 30/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch hoạt động và kinh phí năm 2020 của Dự án “Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2018-2020” do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét (QTC) tài trợ;

Căn cứ Quyết định số 5302/QĐ-BYT ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Phê duyệt Văn kiện của Dự án “Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023 ” do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét (QTC) tài trợ;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai điều trị viêm gan vi rút C trên người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan vi rút C do Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét tài trợ, giai đoạn 2021-2023.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng các Vụ, Cục, Tổng Cục; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Website Bộ Y tế;
- Lưu: VT, AIDS
.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Xuân Tuyên

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐIỀU TRỊ VIÊM GAN VI RÚT C TRÊN NGƯỜI BỆNH ĐỒNG NHIỄM HIV/VIÊM GAN VI RÚT C DO DỰ ÁN QUỸ TOÀN CẦU PHÒNG, CHỐNG AIDS, LAO VÀ SỐT RÉT TÀI TRỢ, GIAI ĐOẠN 2021-2023
(Ban hành kèm theo Quyết định số
1207/QĐ-BYT ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Bộ Y tế)

I. ĐẠI CƯƠNG

Việt Nam là một trong những nước có gánh nặng bệnh tật cao liên quan đến viêm gan vi rút trên toàn cầu và đứng thứ ba trong khu vực. Ước tính hiện có 7,8 triệu người bị viêm gan vi rút B mạn tính và gần một triệu người bị viêm gan vi rút C (VGC) mạn tính. Trong số này tỷ lệ người VGC có đồng nhiễm với HIV khá cao.

Toàn quốc hiện có trên 200.000 người nhiễm HIV còn sống. Trong số này có trên 152.000 người đang điều trị thuốc ARV. Một số người nhiễm HIV đang điệu trị thuốc ARV đồng thời điều trị thuốc methadone. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm VGC trên người nhiễm HIV khoảng 34,4% (26- 44%). Tình trạng đồng nhiễm VGC ở người nhiễm HIV có thể tăng quá trình tiến triển đến xơ gan hơn so với người chỉ nhiễm VGC. Ngay cả ở những người đã được điều trị thuốc ARV và có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế tái nguy cơ xơ gan mất bù vẫn cao ở người đồng nhiễm HIV/VGC. Tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV đã giảm đáng kể do việc mở rộng điều trị thuốc ARV. Tuy nhiên, ở các trường hợp đồng nhiễm HIV/VGC, tỷ lệ tử vong không có xu hướng giảm do người bệnh hạn chế tiếp cận với điều trị thuốc viêm gan C.

Hiện nay, bệnh VGC mạn tính đã có thuốc điều trị khỏi với tỷ lệ đạt ức chế vi rút bền vững tới trên 97%. Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo các quốc gia cần tăng cường điều trị VGC trên người bệnh đồng nhiễm HIV để duy trì thành quả của chương trình điều trị HIV.

Về đường lây truyền của vi rút viêm gan C tương tự như đường lây truyền ở người nhiễm HIV, bao gồm lây truyền qua quan hệ tình dục, qua đường máu và từ mẹ truyền cho con. Người nhiễm vi rút viêm gan C chủ yếu gặp ở người có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV. Chính điều này đã có tác động rất lớn đến việc làm thế nào để duy trì tình trạng không tái nhiễm vi rút viêm gan C sau khi người bệnh điều trị khỏi viêm gan C.

Ngày 14/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1246/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Theo đó, tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm HIV/VGC được điều trị đồng thời cả thuốc ARV và thuốc điều trị VGC đạt 50% trở lên vào năm 2025 và 75% trở lên vào năm 2030.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5456/QĐ-BYT ngày 20/11/2019 về Hướng dẫn Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS và Quyết định số 5012/QĐ-BYT ngày 20/09/2016 về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan vi rút C. Theo đó, phác đồ điều trị ARV ưu tiên bậc 1 tenofovir - lamivudin - dolutegravir (TLD) điều trị người nhiễm HIV. Phác đồ điều trị VGC bằng thuốc kháng vi rút trực tiếp (DAAs) với thuốc sofosbuvir (SOF) và daclatasvir (DCV) là một trong các phác đồ điều trị VGC. Kết quả điều trị của phác đồ SOF kết hợp với DCV trên người bệnh viêm gan C và người bệnh đồng nhiễm HIV/viêm gan C cho thấy đây là phác đồ có hiệu quả cao với tỷ lệ khỏi bệnh dao động từ 96-100%. Việc sử dụng phác đồ ARV bằng thuốc TLD làm tăng hiệu quả điều trị do không có tương tác giữa các thuốc, đáp ứng với tất cả các kiểu gen của vi rút viêm gan C.

Tại Việt Nam, công tác chẩn đoán và điều trị VGC hiện chủ yếu tập trung ở tuyến tỉnh/thành phố và tuyến trung ương. Thuốc trị viêm gan C đã được Quỹ BHYT chi trả bằng 50% mức hưởng BHYT của người tham gia BHYT. Đồng thời, chỉ có các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương điều trị viêm gan C mới được Quỹ BHYT chi trả. Giá thành thuốc điều trị viêm gan C còn cao và chỉ có một số bnh viện tuyến tỉnh thực hiện được xét nghiệm tải lượng vi rút viêm gan C. Các yếu tố này dẫn đến việc tiếp cận với điều trị VGC nói chung và ở người nhiễm HIV nói riêng vẫn còn rất hạn chế.

Nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh dịch AIDS đến năm 2030, trong khuôn khổ kế hoạch viện trợ của Quỹ toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét giai đoạn 2018 - 2020 (sau đây gọi là Dự án Quỹ toàn cầu), Quỹ toàn cầu viện trợ thuốc điều trị viêm gan C cho 16.000 người đồng nhiễm HIV/VGC bằng phác đồ SOF/DCV trong năm 2021. Số lượng người được điều trị VGC có thể mở rộng theo nhu cầu trong giai đoạn 2021- 2023.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ