Quyết định 120-CP năm 1980 về hệ thống tổ chức ngành thuế công thương nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 120-CP |
Ngày ban hành | 10/04/1980 |
Ngày có hiệu lực | 25/04/1980 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Hội đồng Chính phủ |
Người ký | Tố Hữu |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Bộ máy hành chính |
HỘI
ĐỒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 120-CP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 1980 |
QUYẾT ĐỊNH
SỐ 120-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NGÀY 10-4-1980 VỀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC NGÀNH THUẾ CÔNG THƯƠNG NGHIỆP
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để tăng cường hệ thống tổ chức ngành thuế công thương nghiệp từ trung ương đến địa phương phù hợp với tình hình hiện nay;
Theo đề nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính và đồng chí Trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Hệ thống ngành thuế công thương nghiệp được tổ chức thống nhất trong cả nước như sau:
- Ở trung ương, có Cục thuế công thương nghiệp nằm trong Bộ Tài chính.
- Ở tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có chi cục thuế công thương nghiệp nằm trong sở, ty tài chính.
- Ở huyện và cấp tương đương (gọi tắt là huyện) có phòng thuế công thương nghiệp nằm trong ban tài chính - giá cả.
- Ở những đầu mối giao thông quan trọng, những vùng tập trung công thương nghiệp, có trạm hoặc đội thuế công thương nghiệp trực thuộc phòng thuế hoặc trực thuộc chi cục thuế.
Điều 2: Cục thuế công thương nghiệp có một cục trưởng và một số cục phó giúp việc.
Chi cục thuế công thương nghiệp do một phó giám đốc hoặc phó trưởng ty tài chính làm chi cục trưởng và có thể có chi cục phó giúp việc.
Phòng thuế công thương nghiệp do một phó trưởng ban tài chính - giá cả làm trưởng phòng và có thể có phó trưởng phòng giúp việc.
Trạm hoặc đội thuế công thương nghiệp có một trạm trưởng hoặc đội trưởng và có thể có trạm phó hoặc đội phó giúp việc.
Điều 3: Cục, chi cục, phòng thuế công thương nghiệp được dùng con dấu riêng. Trạm thuế dùng giấy biên lai thu thuế có đóng dấu của phòng.
Điều 4: Biên chế của hệ thống ngành thuế công thương nghiệp được tính riêng và tách ra khỏi biên chế các cơ quan hành chính.
Biên chế ngành thuế được xác định căn cứ vào khối lượng công việc, số cơ sở sản xuất kinh doanh phải quản lý, nhiệm vụ thu thuế.
Căn cứ tiêu chuẩn nói trên, hàng năm Bộ Tài chính lập kế hoạch biên chế, gửi Ban tổ chức của Chính phủ tổng hợp trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt; dựa vào kế hoạch biên chế đã được Hội đồng Chính phủ duyệt, Bộ thông báo chỉ tiêu biên chế ngành thuế cho các tỉnh, thành phố, đặc khu.
Trên cơ sở chỉ tiêu biên chế được giao, chi cục thuế công thương nghiệp phân bổ chi tiêu biên chế cho từng phòng thuế và trạm thuế.
Điều 5: Cán bộ thuế công thương nghiệp phải là người hiểu rõ tình hình địa phương, phải liêm khiết và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ. Trong khi thi hành nhiệm vụ, cán bộ thuế phải chấp hành đúng chính sách và có lễ độ với nhân dân; cán bộ thuế phải có phù hiệu riêng, có giấy chứng minh và phải xuất trình giấy chứng minh để người nộp thuế xem trước khi thu thuế.
Cán bộ thuế công thương nghiệp, ngoài tiền lương, còn được hưởng tiền thưởng theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ thu thuế đúng đường lối, chính sách của Nhà nước. Bộ Tài chính có quy định cụ thể về chế độ thưởng này.
Để bảo đảm chuyên môn hoá cán bộ thuế, từ nay việc điều động cán bộ thuế ra khỏi ngành thuế phải được sự thoả thuận của cơ quan thuế cấp trên.
Điều 6: Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành quyết định này.
Điều 7: Các đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Ban tổ chức của Chính phủ và chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
Tố Hữu (Đã ký) |