QUY ĐỊNH
PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
TRONG LĨNH VỰC BƯU CHÍNH, VIỄN THÔNG VÀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
YÊN BÁI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 12/2008/QĐ-UBND ngày 24/6/2008 của UBND tỉnh
Yên Bái)
Chương I
QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan
trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Bưu
chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin, nhằm
kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này trên
địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính,
Viễn thông và Công nghệ thông tin; Các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ Bưu
chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin đóng trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Các từ ngữ sử dụng trong quy định
này được hiểu như sau:
Mạng
bưu chính công cộng: Bao
gồm các trung tâm đầu mối, bưu cục, điểm phục vụ, thùng thư công cộng được kết
nối với nhau bằng các tuyến đường thư.
Mạng chuyển phát: Do Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế xây dựng và quản lý để
cung cấp dịch vụ chuyển phát thư theo quy định của pháp luật về bưu chính, viễn
thông và quy định của pháp luật về vận chuyển hàng hóa.
Mạng viễn thông: Bao gồm mạng viễn thông công cộng, mạng viễn thông dùng riêng, mạng
viễn thông chuyên dùng là tập hợp các thiết bị viễn thông được liên kết với
nhau bằng các đường truyền dẫn.
Dịch vụ bưu chính: Là dịch vụ nhận gửi, chuyển, phát bưu phẩm, bưu kiện qua mạng bưu
chính công cộng.
Kho số viễn thông: Là tập hợp các mã và số được đánh số theo quy hoạch thống nhất trong phạm
vi cả nước để đảm bảo cho hoạt động của mạng và dịch vụ viễn thông
Dịch vụ viễn thông: Là dịch vụ truyền ký hiệu, tín hiệu, số liệu, chữ viết, âm thanh,
hình ảnh hoặc các dạng khác của thông tin giữa các điểm kết cuối của các mạng
viễn thông.
Thiết bị viễn thông: Là các phương tiện kỹ thuật, bao gồm cả phần cứng và phần mềm được
dùng để thiết lập mạng viễn thông, cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông.
Thiết bị vô tuyến điện: Bao gồm thiết bị thu, phát, thu- phát sóng vô tuyến điện dùng trong
các nghiệp vụ vô tuyến điện
Công nghệ thông tin: Là tập hợp các phương pháp khoa học, công nghệ và công cụ kỹ thuật hiện
đại để sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số.
Vi rút máy tính: Là chương trình máy tính có khả năng lây lan, gây ra hoạt động không
bình thường cho thiết bị số hoặc sao chép, sửa đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ
trong thiết bị số.
Điều 4. Nguyên tắc phối hợp
1. Việc
phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trên nguyên tắc chịu sự chỉ đạo, điều hành trực
tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ,
ngành có liên quan.
2. Việc cung cấp thông tin phải được
thực hiện nhanh chóng, kịp thời đảm bảo bí mật và tuân thủ đúng quy định của
pháp luật, trong quá trình phối hợp không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của
các bên có liên quan. Thông tin phải được cung cấp bằng văn bản thể hiện trên
giấy hoặc văn bản điện tử có xác nhận của thủ trưởng cơ quan. Cung cấp, đối với
văn bản điện tử thì xác nhận là chữ ký điện tử.
3. Sở Thông tin và Truyền thông;
Công an tỉnh; Sở Công thương có trách nhiệm cử người có đủ thẩm quyền phụ trách
việc theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc phối hợp giao nhận
tài liệu, số liệu liên quan. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm đảm bảo bí
mật thông tin theo quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo lãnh đạo cơ quan
trong việc xử lý thông tin, chỉ đạo công tác phối hợp.
4. Việc xử lý các vụ việc được thực
hiện trên nguyên tắc: Vụ việc thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ quản lý của đơn
vị nào thì đơn vị đó chủ trì xử lý, các đơn vị khác trong phạm vi, chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp khi có yêu cầu và xử lý
theo quy định của pháp luật.
Chương II
NỘI DUNG PHỐI HỢP
Điều 5. Phối hợp trong công tác trao đổi thông tin
1. Trao đổi và phối hợp tìm kiếm
thông tin, cung cấp thông tin các vụ trộm cắp cước viễn thông, phá hoại mạng
bưu chính, viễn thông; kinh doanh trái phép các dịch vụ viễn thông, thiết bị viễn
thông; vận chuyển, buôn bán hàng lậu, hàng nhập lậu; hàng cấm qua mạng bưu
chính, mạng chuyển phát và các vi phạm khác liên quan đến lĩnh vực Bưu chính,
Viễn thông và Công nghệ thông tin.
2. Tổ chức hội nghị, hội thảo để
giới thiệu các sản phẩm công nghệ thông tin mới giúp phát hiện, phòng ngừa và
ngăn chặn vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ
thông tin.
3. Cung cấp, trao đổi thông tin về
các hình thức, phương thức, thủ đoạn mà đối tượng sử dụng thực hiện hành vi vi
phạm để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm pháp luật.
4. Thành lập các đoàn thanh tra,
kiểm tra liên ngành để thực hiện nhiệm vụ phối hợp theo kế hoạch hoặc đột xuất
khi phát hiện vi phạm hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
5. Tham mưu, đề xuất với Ủy ban
nhân dân tỉnh các cơ chế, giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc phòng, chống
các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ
thông tin.
Điều 6. Phối hợp thanh tra xử
lý các vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ
thông tin gồm:
1. Vi phạm các quy định về hoạt động
bảo đảm an toàn mạng bưu chính công cộng, mạng chuyển phát thư, mạng bưu chính
chuyên dùng; Đảm bảo bí mật thông tin; Cung cấp và sử dụng bưu chính, dịch vụ
chuyển phát thư; Quản lý và sử dụng tem bưu chính;
2. Vi phạm các quy định về thiết lập,
bảo đảm bí mật thông tin riêng, an toàn mạng viễn thông và an ninh thông tin;
Cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông; kết nối các mạng viễn thông; kho số viễn
thông;
3. Vi phạm các quy định về quản
lý, sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện;
4. Vi phạm các quy định về giá, cước,
phí, lệ phí bưu chính, chuyển phát thư, viễn thông và tần số vô tuyến điện;
5. Vi phạm các quy định về quản lý
tiêu chuẩn, chất lượng thiết bị viễn thông; chất lượng dịch vụ bưu chính, chuyển
phát thư, viễn thông; Chất lượng mạng viễn thông; sản xuất và xuất khẩu, nhập
khẩu thiết bị viễn thông; Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng công trình ngành bưu
chính, viễn thông;
6. Vi phạm các quy định về chế độ
báo cáo nghiệp vụ; Không chấp hành sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền.
7. Vi phạm hành chính về quản lý,
cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet.
8. Các hành vi vi phạm khác trong
lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Điều 7. Phối hợp trong điều
tra, xử lý đối với các tội phạm trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công
nghệ thông tin.
1. Hành vi tạo ra và lan truyền,
phát tán các chương trình vi rút máy tính;
2. Hành vi vi phạm các quy định về
vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử;
3. Hành vi sử dụng trái phép các
thông tin trên mạng và trong máy tính;
4. Hành vi buôn lậu, gian lận
thương mại trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin; Vận
chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát; trộm cắp cước
viễn thông quốc tế, kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông.
5. Các hành vi vi phạm khác trong
lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin theo quy định của Bộ luật
hình sự.
Chương III
TRÁCH NHIỆM CỦA
CÁC CƠ QUAN
Điều 8. Sở Thông tin và Truyền thông
1. Cung cấp các thông tin cho các
ngành liên quan, các văn bản pháp luật về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh
vực bưu chính, viễn thông và danh mục hàng hóa thuộc diện hàng cấm, hàng kinh
doanh có điều kiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông cho Công an tỉnh
và Sở Công thương.
2. Làm đầu mối tiếp nhận thông tin
về các dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ
thông tin và kịp thời cung cấp những thông tin trên cho các cơ quan chức năng
tham gia, phối hợp xử lý.
3. Chủ trì hoặc tham gia thanh
tra, kiểm tra và xử lý đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuộc phạm
vi quản lý. Lập và chuyển hồ sơ có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra theo
quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp vụ việc đang
trong giai đoạn thu thập tài liệu, củng cố chứng cứ, khi cơ quan Công an có yêu
cầu phối hợp bằng văn bản; Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xem xét,
hướng dẫn trả lời về những vướng mắc, tranh chấp trong lĩnh vực chuyên môn, kỹ
thuật của ngành.
5. Tiếp nhận quyết định trưng cầu
giám định, làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định thành lập Hội
đồng giám định về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
6. Hướng
dẫn các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát, viễn thông và công nghệ thông tin
phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc phòng chống tội phạm
trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
7. Chủ trì, phối
hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Yên Bái, các Sở, Ban ngành, các Doanh
nghiệp Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin thường xuyên tuyên truyền
trên các phương tiện thông tin đại chúng về các văn bản quy phạm pháp luật có
liên quan đến lĩnh vực Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin và các loại
hình trộm cắp cước viễn thông, kinh doanh trái pháp luật dịch vụ điện thoại
internet, các loại thẻ điện thoại lậu, phá hoại các công trình viễn thông… để
quần chúng nhân dân biết và cùng phòng chống tội phạm.
8. Trong quá
trình các cơ quan chức năng của tỉnh tiến hành điều tra, xử lý vi phạm, nếu cần
phải xác minh hoặc phối hợp với các đơn vị của ngành Bưu chính, Viễn thông tại
các tỉnh khác thì sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm liên hệ để các cơ
quan chức năng của tỉnh phối hợp thực hiện.
Điều 9. Công an tỉnh.
1. Chủ trì công tác phát hiện,
ngăn chặn, điều tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các
đối tượng trộm cắp, phá hoại các công trình Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ
thông tin; trộm cước viễn thông quốc tế; vận chuyển hàng lậu, hàng cấm qua mạng
bưu chính, mạng chuyển phát và các dấu hiệu tội phạm khác trong lĩnh vực Bưu
chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin.
2. Chủ trì phối hợp với các cơ
quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm
pháp luật về Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin. Đối với các nội dung
thông tin cần xác minh từ các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính,
Viễn thông và Công nghệ thông tin để phục vụ công tác điều tra thì phối hợp với
Sở Thông tin và Truyền thông để thực hiện công tác điều tra.
3. Tham gia công tác thanh tra, kiểm
tra theo đề nghị của các cơ quan chức năng khi các cơ quan chức năng phát hiện
hoặc được cung cấp thông tin liên quan đến dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực Bưu
chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
4. Chủ trì phối hợp với các cơ
quan liên quan thực hiện công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm
và tội phạm về lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
5. Chỉ đạo các đơn vị chức năng
triển khai công tác tuần tra kiểm soát, các biện pháp phòng ngừa tội phạm phá
hoại và trộm cắp cáp viễn thông, phá hoại các công trình viễn thông, phối hợp với
các cơ quan pháp luật điều tra, kết luận và đưa ra xét xử nghiêm minh các hành
vi vi phạm.
Điều 10. Sở Công Thương
1. Có trách nhiệm tổ chức kiểm
tra, xử lý theo quy định của pháp luật và tiếp nhận thông tin về hoạt động lưu
thông hàng lậu, hàng cấm lưu thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
2. Chủ trì phối hợp với các cơ
quan chức năng trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Bưu
chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin.
3. Chỉ đạo Chi
cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra giám sát các sản phẩm thuộc
quản lý chuyên ngành Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin không có nhãn
mác hàng hóa, không dán tem chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn theo đúng quy định của
Bộ Thông tin và Truyền thông.
Điều 11. Trách nhiệm của các
Doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ
thông tin.
1. Có
trách nhiệm báo cáo, cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan có thẩm
quyền các thông tin tài liệu liên quan đến việc xâm hại hạ tầng mạng lưới bưu
chính, viễn thông; trộm cắp cước viễn thông; việc kinh doanh trái phép dịch vụ
điện thoại Internet, các thiết bị viễn thông; gửi, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm
qua mạng bưu chính, mạng chuyển phát, các hành vi vi phạm việc cung cấp, sử dụng
dịch vụ Bưu chính, Viễn thông, Internet.
2. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật
nghiệp vụ kịp thời phát hiện hành vi vi phạm đồng thời làm giảm thiệt hại do
hành vi vi phạm gây ra.
3. Thực
hiện cung cấp, tạm ngưng, đình chỉ cung cấp các dịch vụ khi có yêu cầu của Sở
Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền
chuyên ngành cấp trên thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.
4. Kịp thời cung cấp số liệu, tài
liệu liên quan đến hoạt động giám định theo yêu cầu của cơ quan trưng cầu giám
định; chịu trách nhiệm về tiến độ và tính chính xác của số liệu, tài liệu đã
cung cấp.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Chế độ báo cáo
Sở Công thương, Công an tỉnh và
các Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông
tin trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng/01lần hoặc
báo cáo đột xuất khi có vụ việc phát sinh hoặc khi có yêu cầu của cơ quan Nhà
nước có thẩm quyền về kết quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin của đơn vị mình về
Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Điều 13. Kinh phí thực hiện
1. Việc cấp phát và sử dụng kinh
phí đảm bảo cho công tác phối hợp phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
Bưu chính, Viễn thông và Công nghệ thông tin được thực hiện theo quy định của
pháp luật.
2. Việc
lập dự toán kinh phí đảm bảo cho công tác phối hợp thực hiện trên nguyên tắc:
Đơn vị nào chủ trì xử lý vụ việc thì lập dự toán sử dụng nguồn kinh phí của đơn
vị mình được tỉnh giao cho hàng năm hoặc được trích từ các nguồn kinh phí khác
theo quy định hiện hành và trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.