Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 12/2007/QĐ-UBND về Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng do tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 12/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/02/2007
Ngày có hiệu lực 15/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Một
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2007/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 05 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29/11/2005;

Căn cứ kết quả cuộc họp liên tịch Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, UBND tỉnh ghi tại Thông báo số 8021/TB-UBND ngày 21/11/2006 của UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN LUẬT PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 05 tháng 02 năm 2007 của UBND tỉnh)

Trong những năm qua, công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí được gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, gắn với cải cách hành chính Nhà nước nên đã thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển theo chiều hướng tích cực.

Các Sở, ban, ngành, các địa phương đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của ngành, địa phương và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động chống tham nhũng, đề ra các giải pháp cụ thể triển khai thực hiện; đẩy mạnh công tác giáo dục, rèn luyện Đảng viên, cán bộ, công chức gắn với tuyên truyền đấu tranh chống tham nhũng nên đã từng bước phát huy được sức mạnh toàn dân tham gia vào công tác này. Các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng được triển khai đồng bộ, nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở; công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo nhất là về các hành vi tiêu cực, tham nhũng được chú trọng, các phản ánh của công luận, báo chí được nhanh chóng xác minh, kết luận giải quyết đúng quy định của pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra luôn gắn liền với việc phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng nên đã chấn chỉnh, uốn nắn kịp thời những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tiêu cực tham nhũng.

Các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng phát huy được sức mạnh truyền thông trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, vận động thực hành tiết kiệm chống lãng phí qua đó góp phần đưa ra ánh sáng nhiều vụ có biểu hiện tiêu cực tham nhũng được dư luận hoan nghênh, ủng hộ.

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số mặt hạn chế cần khắc phục như:

- Việc quản lý kinh tế, quản lý xã hội, nhất là quản lý tài chính ngân sách, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản còn có những mặt yếu kém, sơ hở.

- Ban Chỉ đạo thực hiện công tác này của một số Sở, ban, ngành, địa phương tuy được kiện toàn, củng cố nhưng hoạt động có lúc chưa thường xuyên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho nhân dân chưa được kịp thời và sâu rộng (vùng sâu, vùng xa) nên phần nào chưa thực sự phát huy hết sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống tham nhũng.

- Vai trò giám sát của các tổ chức xã hội, của các Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế; nên hiệu quả giám sát phát hiện tiêu cực, tham nhũng còn thấp.

- Số vụ tham nhũng phát hiện ít, chưa phản ảnh đúng tình hình thực tế đang diễn ra hiện nay, tài sản thất thoát, bị chiếm dụng khá lớn nhưng kết quả thu hồi đạt thấp.

- Kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra nhìn chung còn chậm so với quy định của pháp luật về thanh tra; việc thực hiện kết luận, kiến nghị của một số đơn vị chưa nghiêm.

Nguyên nhân của tình hình trên có nhiều, song chủ yếu là:

+ Công tác quản lý cán bộ, quản lý kinh tế - tài chính của một số cơ quan, đơn vị còn lỏng lẻo, sơ hở, công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động của các đơn vị cấp dưới trong quản lý Nhà nước hiệu quả không cao, những bất cập về chính sách ít được quan tâm kiến nghị sửa đổi, dẫn đến một số cán bộ lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt tài sản, tiền của Nhà nước.

+ Công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức đối với đội ngũ cán bộ, Đảng viên chưa được coi trọng đúng mức. Một số cán bộ, Đảng viên thiếu rèn luyện tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, tha hóa biến chất, cố tình vi phạm pháp luật để mưu lợi cá nhân nhưng không được kịp thời phát hiện. Những sai phạm được phát hiện qua thanh tra, điều tra xử lý đôi lúc chưa kịp thời, việc xử lý hầu như chỉ dừng lại ở cá nhân trực tiếp sai phạm mà chưa xử lý cá nhân, tổ chức và cơ quan có trách nhiệm cấp trên thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý để cấp dưới sai phạm.

+ Trình độ đội ngũ cán bộ của các cấp, nhất là cấp cơ sở hiện nay còn yếu và bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý kinh tế - xã hội trong tình hình mới. Ở một số nơi có biểu hiện thiếu dân chủ trong việc quản lý kinh tế - xã hội, vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, vai trò giám sát của các tổ chức chính trị xã hội chưa được phát huy đúng mức. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nhân dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chống tham nhũng, tiêu cực và các quy định về quản lý kinh tế, tài chính, đất đai... còn hạn chế, đó cũng là sơ hở để những người thoái hóa biến chất lợi dụng vòi vĩnh, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc của nhân dân.

[...]