Quyết định 12/2006/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn đến năm 2010 do tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 12/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/01/2006
Ngày có hiệu lực 03/02/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Huỳnh Tấn Thành
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 24 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ văn bản số 2148 TM/KHTK ngày 03/6/2002 và văn bản số 2181 TM/KHTK ngày 05/6/2002 của Bộ Thương mại về việc quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu;

Xét đề nghị của Sở Thương mại;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt đề án Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 (có nội dung kèm theo).

Điều 2. Căn cứ Quy hoạch phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 được phê duyệt tại Quyết định này, Sở Thương mại, các Sở, Ban, Ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong Tỉnh thuộc phạm vi trách nhiệm được giao tổ chức triển khai trong kế hoạch hàng năm, bảo đảm thực hiện tốt các định hướng cơ bản và các mục tiêu quy hoạch đề ra.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Công an Tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CỬA HÀNG XĂNG DẦU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010

(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2006/QĐ-UBND ngày 24/01/2006 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Bình Thuận là Tỉnh có vị trí thuận lợi, có đường Quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất chạy qua nối Bình Thuận với các tỉnh phía Bắc và phía Nam của cả nước, Quốc lộ 28 nối liền thành phố Phan Thiết với các tỉnh Nam Tây Nguyên, Quốc lộ 55 nối liền với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bình Thuận có dân số 1.140.429 người (năm 2004), mật độ dân số là 146 người/km2.

- Tốc độ tăng trưởng GDP các ngành kinh tế của Tỉnh trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2004 (theo giá so sánh năm 1994) như sau: Xem phụ lục 1 kèm theo

- Cơ cấu tổng sản phẩm nội Tỉnh (GDP) theo giá hiện hành như sau: Xem phụ lục 2 kèm theo

- Tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm từ 14 – 14,5 %. Trong đó: nông - lâm - ngư nghiệp tăng 6,5 - 7%, công nghiệp xây dựng tăng 19,5 - 20%, dịch vụ tăng 15,5 - 16%. Đến năm 2010, tỷ trọng khối ngành công nghiệp - xây dựng 39,5 - 40%; dịch vụ 39 - 40% và nông, lâm, ngư nghiệp 20 - 21% trong GDP;

- Tỷ lệ thu ngân sách (trừ các khoản thuế thu trực tiếp từ dầu khí) so với GDP bằng 16%. Chi ngân sách tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản hằng năm chiếm 35% tổng chi ngân sách. Thu hút vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 54 - 56% GDP;

- Tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên còn 1,14%;

- GDP bình quân đầu người đến 2010 đạt trên 1.000 USD. Đến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn dưới 5%.

Thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng tăng nhanh các sản phẩm lợi thế của Tỉnh, gồm 04 cây trồng chủ yếu: Cao su, điều, bông vải, thanh long; phát triển mạnh đàn bò lai sind, heo hướng nạc và đàn dê, cừu,... Ổn định diện tích canh tác lúa đảm bảo sản lượng lương thực vào năm 2010 đạt 500 ngàn tấn.

Mở rộng ngư trường, thực hiện chương trình đánh bắt xa bờ, đầu tư dịch vụ hậu cần và tổ chức chế biến tiêu thụ có hiệu quả; bình quân hàng năm khai thác, đánh bắt thủy, hải sản đạt sản lượng 150.000 tấn; năm 2010 sản lượng nuôi trồng thuỷ sản các loại 20.000 tấn,...

Phát triển mạnh công nghiệp chế biến và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Chế biến thủy, hải sản phấn đấu đạt 70% sản lượng khai thác và nuôi trồng; đầu tư phát triển công nghiệp chế biến hạt điều, tinh bột mì và đóng hộp thịt gia súc, gia cầm, trái cây, rau quả. Mở rộng các cơ sở may mặc xuất khẩu, gia công giày da, phát triển cơ sở dệt kim xuất khẩu; dệt lưới cung cấp trong và ngoài Tỉnh....

Đầu tư hoàn chỉnh một số tuyến do Trung ương quản lý như Quốc lộ 55, Quốc lộ 28, các tuyến nhánh nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 20 đi qua địa phận thung lũng sông La Ngà. Nâng cấp các tuyến tỉnh lộ nối Quốc lộ 1A đến các vùng sản xuất hàng hóa, các khu du lịch, các xã miền núi, vùng cao, vùng căn cứ kháng chiến cũ như: tuyến ven biển từ Bình Châu đến Bình Thạnh - Liên Hương .v.v.. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện Cảng Vận tải, Cảng cá Phan Thiết, Phan Rí Cửa, La Gi; đầu tư nâng cấp cảng Phú Quý để có thể tiếp nhận tàu 5.000 - 10.000 tấn.

Căn cứ vào định hướng qui hoạch tổng thể phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận; hệ thống đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 bao gồm: 01 thành phố thuộc Tỉnh (thành phố Phan Thiết), 01 thị xã khu vực (thị xã La Gi), 07 thị trấn huyện lỵ (Liên Hương, Chợ Lầu, Ma Lâm, Thuận Nam, Tân Nghĩa, Lạc Tánh, Võ Xu, Thị trấn Phú Quý); 04 thị trấn khu vực (Thị trấn Phan Rí Cửa, Đức Tài, Tân Minh, Phú Long); 23 thị tứ (Vĩnh Hảo, Trung tâm cụm xã Phong phú, Chí Công, Phan Rí Thành, Hải Ninh, Lương Sơn, Sông Lũy, Trung tâm cụm xã Phan Sơn, Phú Long, Hàm Đức, Trung tâm cụm xã Đông Giang, Hàm Thuận – Đa Mi, Mương Mán, Hàm Mỹ, Tân Thuận, Tân Minh, Tân Hải, Tân Thắng, Bắc Ruộng, Trà Tân, Gia An, Mê Pu).

2.4. Đánh giá tổng quát thực trạng tiềm năng và hạn chế đối với phát triển kinh tế của tỉnh ảnh hưởng đến mạng lưới bán lẻ xăng dầu:

[...]