Quyết định 1196/QĐ-UB năm 2000 quy định tạm thời về công tác quản lý sử dụng hồ sơ tài liệu lưu trữ tỉnh Tuyên Quang

Số hiệu 1196/QĐ-UB
Ngày ban hành 22/09/2000
Ngày có hiệu lực 22/09/2000
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Vũ Mạnh Thắng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1196/QĐ-UB

Tuyên Quang, ngày 22 tháng 9 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỬ DỤNG HỒ SƠ TÀI LIỆU LƯU TRỮ TỈNH TUYÊN QUANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21 tháng 6 năm 1994;

Căn cứ Nghị định 142/CP ngày 28 - 9 - 1963 của Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệ về công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ;

Thực hiện Công văn số 66/NVĐP ngày 11 - 3 - 1995 của Cục Lưu trữ Nhà nước hướng dẫn quy định đề công tác lưu trữ tại UBND các cấp,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định tạm thời về công tác quản lý sử dụng hồ sơ tài liệu lưu trữ tỉnh Tuyên Quang.

Điều 2. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Vũ Mạnh Thắng

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỬ DỤNG HỒ SƠ TÀI LIỆU LƯU TRỮ TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1196/QĐ-UB ngày 22/9/2000 của UBND tỉnh Tuyên Quang)

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tất cả các công văn, tài liệu quản lý Nhà nước, tài liệu khoa học kỹ thuật (dự án, đồ án, thiết kế, bản vẽ, bản đồ, công trình nghiên cứu khoa học, công trình xây dựng cơ bản, phát minh sáng chế luận án tốt nghiệp... ); Tài liệu chuyên môn (sổ, sách, thống kê, biểu báo, hồ sơ nhân sự…) bản thảo, bản nháp các tác phẩm văn học - nghệ thuật, âm bản, dương bản các bộ phim, các bức ảnh, tài liệu ghi âm, ghi hình, băng đĩa từ, sổ công văn, nhật ký, hồi ký, sổ ghi Nghị quyết các cuộc họp... được hình thành trong quá trình hoạt động của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang không kể thời gian, các loại hình tài liệu, được tập trung thống nhất quản lý ở bộ phận, phòng, kho lưu trữ các ngành, các cấp để phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, khoa học.

Tài liệu phải là bản gốc, bản chính của văn kiện, trong trường hợp do hậu quả lịch sử không còn bản chính mới được thay thế bằng bản sao có giá trị như bản chính.

Điều 2. Hồ sơ tài liệu lưu trữ của các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, UBND các cấp là di sản văn hóa thuộc một phần của phông tài liệu lưu trữ Quốc gia, không cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân nào được chiếm dụng làm của riêng. Nghiêm cấm việc mua bán, trao đổi, tiêu hủy trái phép hồ sơ tài liệu lưu trữ.

Điều 3. Sở Tài chính vật giá căn cứ nhu cầu của mỗi ngành, mỗi cấp để xác định bố trí đủ kinh phí cho công tác lưu trữ của từng cơ quan, đơn vị.

Điều 4. Thủ trưởng các ngành, các cấp trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn; tổ chức quản lý hồ sơ lài liệu lưu trữ và chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của Nhà nước.

II- QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC SỬ DỤNG TÀI LIỆU LƯU TRỮ

1. Lập hồ Sơ:

Điều 5. Công Chức, Viên chức làm công việc bằng văn bản hoặc liên quan đến công văn tài liệu trong mỗi cơ quan, đơn vị tùy theo nhiệm vụ phải lập hồ sơ phần việc của mình phụ trách. Việc lập hồ sơ trong mỗi cơ quan, đơn vị phải được tiến hành dưới sự hướng dẫn của cán bộ lưu trữ và theo đúng các thể thức, phương pháp do Cục Lưu trữ Nhà nước quy định.

Điều 6. Hồ sơ công việc của công chức, viên chức khi lập phải đảm đảo mối liên hệ giữa các văn bản với nhau về cùng một vấn đề, một sự việc sắp xếp các văn bản trong hồ sơ theo trật tự, thời gian và biên mục bên trong, bên ngoài đầy đủ.

Điều 7. Hồ sơ tên gọi: Gồm các tập công văn đi ở mỗi cơ quan, được phân loại thành từng hồ sơ có cùng tên gọi giống nhau như các tập lưu: Quyết định, Chỉ thị, Báo cáo, Công văn... Tùy theo khối lượng tài liệu nhiều hay ít mà kết thúc hồ sơ theo tháng, qúy, 6 tháng hoặc 1 năm.

Bộ phận văn thư cơ quan phải đảm bảo lưu đủ công văn tài liệu (Bản chính và phụ lục kèm theo) sắp xếp theo thứ tự đúng với số đã đăng ký trong sổ công văn đi và chịu trách nhiệm lập hồ sơ theo tên gọi.

Điều 8. Hồ sơ nguyên tắc bao gồm những văn bản pháp quy như: Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Chỉ thị, Quy chế, Quy định, Hướng dẫn hoặc giải thích về chế độ thính sách. Mỗi công chức, viên chức tùy theo yêu cầu công việc của mình, tập hợp những văn bản pháp quy về từng mặt nghiệp vụ nhất định để làm căn cứ giải quyết công việc hàng ngày.

Điều 9. Cuối mỗi năm công chức, viên chức trong từng cơ quan tự kiểm tra, hoàn thiện toàn bộ hồ sơ của mình và giao nộp hồ sơ tài liệu năm trước vào lưu trữ cơ quan. Trường hợp cần giữ lại để nghiên cứu tiếp phải được sự đồng ý của Thủ trưởng và lưu trữ cơ quan.

[...]