Nghị định 142-CP năm 1963 ban hành điều lệ về công tác, công văn, giấy tờ và công tác lưu trữ do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 142-CP
Ngày ban hành 28/09/1963
Ngày có hiệu lực 13/10/1963
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Phạm Văn Đồng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

Số: 142-CP

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 1963

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ VỀ CÔNG TÁC, CÔNG VĂN, GIẤY TỜ VÀ CÔNG TÁC LƯU TRỮ

Để thống nhất việc quản lý công văn, giấy tờ trong các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước;
Để đưa công tác công văn, giấy tờ, công tác lưu trữ của các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước vào nền nếp;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong hội nghị Thường vụ Hội đồng Chính phủ ngày 24 tháng 7 năm 1963.

Điều 1. Nay ban hành, kèm theo nghị định này, bản điều lệ về công tác công văn, giấy tờ và công tác lưu trữ.

Điều 2. Ông Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, các ông Bộ trưởng các Bộ, các ông Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

ĐIỀU LỆ

VỀ CÔNG TÁC CÔNG VĂN, GIẤY TỜ VÀ CÔNG TÁC LƯU TRỮ

Công văn, giấy tờ là một trong những phương tiện cần thiết trong hoạt động của Nhà nước.

Hồ sơ, tài liệu lưu trữ ghi lại các hoạt động về mọi mặt của các cơ quan, xí nghiệp cần được giữ gìn để tra cứu và sử dụng khi cần thiết.

Cho nên làm công văn, giấy tờ và giữ gìn hồ sơ, tài liệu lưu trữ là hai công tác không thể thiếu được đối với việc quản lý Nhà nước.

Trong một phạm vi khá lớn, công việc của một cơ quan, một xí nghiệp được tiến hành nhanh hay chậm, thiết thực hay quan liêu là do công văn, giấy tờ có làm tốt hay không, do việc giữ gìn hồ sơ, tài liệu có được cẩn thận hay không. 

Điều lệ này quy định một số nguyên tắc nhằm làm cho hai công tác ấy ngày càng có nề nếp khoa học, có hiệu suất cao để góp phần tích cực và thiết thực vào việc cải tiến lề lối làm việc của các cơ quan của Nhà nước và của các đoàn thể nhân dân từ Trung ương đến cơ sở.

MỤC I. CÔNG TÁC CÔNG VĂN, GIẤY TỜ

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Công văn, giấy tờ của các cơ quan, xí nghiệp của Nhà nước dùng để công bố, truyền đạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, để báo cáo, thỉnh thị; để liên hệ giữa các cơ quan, các ngành, các cấp, để ghi chép các kinh nghiệm đã được đúc kết và ghi chép các tài liệu cần thiết.

Công văn, tài liệu, thư từ do cơ quan nhận được của các nơi khác gửi đến gọi tắt là “công văn đến”; công văn, tài liệu do cơ quan gửi nơi khác gọi tắt là “công văn đi”. Những sổ sách ghi chép, những bản thảo các loại công văn, những tài liệu dùng trong nội bộ cơ quan… gọi tắt là “Giấy tờ của cơ quan”.

Điều 2. Những công việc chính của công tác công văn, giấy tờ là:

- Nhận và vào sổ “công văn đến”;

- Xem và phân phối “công văn đến” theo dõi việc giải quyết công văn;

- Nghiên cứu công văn, khởi thảo công văn;

- Sửa chữa dự thảo, duyệt bản thảo;

- Đánh máy công văn, xem lại bản đánh máy, ký công văn;

- Vào sổ và gửi “công văn đi”

- Làm sổ ghi chép tài liệu;

- Làm các loại biên bản;

[...]