Quyết định 1171/QĐ-BTP năm 2013 về Kế hoạch sơ kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1171/QĐ-BTP
Ngày ban hành 22/05/2013
Ngày có hiệu lực 22/05/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Đinh Trung Tụng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

BỘ TƯ PHÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1171/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH SƠ KẾT THI HÀNH LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM NĂM 2008

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 496/QĐ-BTP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch công tác năm 2013 của Vụ Hành chính tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch sơ kết thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- PTTg Nguyễn Xuân Phúc (để báo cáo);
- Bộ trưởng Hà Hùng Cường (để báo cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước (để phối hợp);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Văn phòng Quốc hội (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để chỉ đạo thực hiện);
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đinh Trung Tụng

 

KẾ HOẠCH

SƠ KẾT THI HÀNH LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM NĂM 2008
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1171/QĐ-BTP ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Luật Quốc tịch Việt Nam được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ tư ngày 13 tháng 11 năm 2008 (sau đây gọi tắt là Luật Quốc tịch năm 2008), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2009 và thay thế Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1998. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Luật Quốc tịch năm 2008 đã từng bước đi vào cuộc sống, đáp ứng nhiều mục tiêu, yêu cầu, nội dung đã được đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy một số quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn chưa thực sự phù hợp, còn phát sinh những vướng mắc làm hạn chế việc phát huy tính khả thi của Luật. Do đó, việc đánh giá quá trình triển khai Luật, kết quả đạt được và những vướng mắc, hạn chế, bất cập phát sinh là cần thiết, từ đó chỉ rõ nguyên nhân và tìm ra các giải pháp để Luật Quốc tịch năm 2008 và các văn bản hướng dẫn Luật đi vào cuộc sống. Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch sơ kết thi hành Luật Quốc tịch năm 2008, gồm các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI SƠ KẾT

1. Mục đích

- Đánh giá một cách toàn diện tình hình triển khai công tác quốc tịch từ ngày Luật Quốc tịch năm 2008 có hiệu lực thi hành (ngày 01/7/2009) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng như tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; nêu ra những vấn đề bất cập, khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời tổng kết việc thực hiện nhập quốc tịch Việt Nam cho người không quốc tịch theo quy định tại Điều 22 của Luật để báo cáo Quốc hội.

- Trên cơ sở sơ kết thực tiễn thi hành pháp luật về quốc tịch, đề xuất, kiến nghị những vấn đề cần thiết phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch năm 2008, Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam và các Thông tư hướng dẫn thi hành nhằm đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của người dân và tăng cường công tác quản lý quốc tịch trong tình hình mới.

2. Yêu cầu

- Việc sơ kết cần tiến hành nghiêm túc, toàn diện ở các bộ, ngành có liên quan, các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.     

- Nội dung sơ kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế khách quan, có phân tích, đánh giá; tránh báo cáo thành tích. Trên cơ sở đó, có những đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm sửa đổi Luật Quốc tịch hoặc tổ chức thi hành Luật Quốc tịch năm 2008 hiệu quả.

3. Phạm vi

- Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật về quốc tịch; tình hình tổ chức, quản lý và thực hiện công tác quốc tịch kể từ ngày 01/7/2009 đến nay.

[...]