Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 116/2004/QĐ-UB quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang ban hành

Số hiệu 116/2004/QĐ-UB
Ngày ban hành 28/05/2004
Ngày có hiệu lực 28/05/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hậu Giang
Người ký Huỳnh Phong Tranh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UBND LÂM THỜI
 TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 116/2004/QĐ-UB

Vị Thanh, ngày 28 tháng 5 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY SỞ TÀI CHÍNH TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 115/2003/TTLT-BTC-BNV ngày 28/11/2003 của Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về lĩnh vực tài chính thuộc Ủy ban nhân dân các cấp;
Căn cứ Quyết định số 04/2004/QĐ-UB ngày 01/01/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc thành lập Sở Tài chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang;
Xét đề nghị tại Tờ trình số 596/STC ngày 10/5/2004 của Giám đốc Sở Tài chính kèm theo "Đề án quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang" và Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng:

a) Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính, ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí và thu khác của ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, kế toán, kiểm toán độc lập, giá cả và hoạt động dịch vụ tài chính (sau đây gọi chung là lĩnh vực tài chính) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang theo quy định của pháp luật.

b) Sở Tài chính chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về quản lý lĩnh vực tài chính ở địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ.

2. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm về tài chính ngân sách phù hợp với quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

3. Tổ chức, chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch về lĩnh vực tài chính; hướng dẫn các cơ quan thuộc tỉnh, cơ quan tài chính cấp dưới thống nhất tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, chính sách chế độ và các quy định của nhà nước về tài chính trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về tài chính.

4. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh phương án phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách của địa phương; trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn định mức phân bổ dự toán chi ngân sách địa phương, quyết định một số chế độ thu phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ công khai tài chính - ngân sách, chế độ quản lý tài chính, báo cáo kế toán theo quy định của pháp luật.

5. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy định nhiệm vụ và các biện pháp quản lý, điều hành ngân sách hàng năm của địa phương.

Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan HCSN) thuộc tỉnh và cơ quan tài chính cấp dưới xây dựng dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo quy định của pháp luật.

Thẩm định và chịu trách nhiệm về việc thẩm định dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp dưới.

Lập dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn, lập dự toán thu, chi ngân sách địa phương, lập phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

6. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, đề xuất các phương án cân đối ngân sách và các biện pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí.

Thẩm tra việc phân bổ dự toán ngân sách cho các đơn vị trực thuộc của cơ quan cùng cấp theo quy định.

7. Phối hợp với các cơ quan thu trong việc thực hiện công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí, và các khoản thu khác trên địa bàn.

8. Thẩm định quyết toán thu NSNN phát sinh trên địa bàn huyện, quyết toán thu, chi ngân sách huyện; thẩm định và thông báo quyết toán đối với các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác có sử dụng ngân sách tỉnh và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định.

Tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, lập tổng quyết toán ngân sách nhà nước, lập tổng quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương để Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Tài chính.

9. Quản lý các nguồn kinh phí ủy quyền của Trung ương, quản lý quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật.

10. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chỉ tiêu và sử dụng ngân sách ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách tỉnh.

11. Yêu cầu Kho bạc Nhà nước (KBNN) tạm dừng thanh toán khi phát hiện chi vượt dự toán, sai chính sách, chế độ hoặc không chấp hành chế độ báo cáo, thống kê.

12. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan có liên quan để tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về chiến lược thu hút, huy động, sử dụng vốn đầu tư ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước; xây dựng các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn.

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về tài chính theo vùng lãnh thổ đối với tất cả các chương trình, dự án ODA trên địa bàn tỉnh, kể cả các chương trình dự án do các Bộ, cơ quan Trung ương hoặc tỉnh khác chủ trì thực hiện.

[...]