Quyết định 1129/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính và xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Số hiệu 1129/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/12/2014
Ngày có hiệu lực 29/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Trần Hữu Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1129/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 29 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA CÁC SỞ, NGÀNH, UBND CẤP HUYỆN, UBND CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/201 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến công tác kiểm soát thủ tục hành chính; Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ Tư pháp Hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính và xây dựng phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Cục Kiểm soát TTHC, Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Chánh văn phòng, các Phó CVP;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh; Công báo
- Lưu: VT, VP7.
MT01/2015/TTHC

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hữu Bình

 

KẾ HOẠCH

RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VÀ XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA CÁC SỞ, BAN, NGÀNH, UBND CẤP HUYỆN, UBND CẤP XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1129 /QĐ-UBND ngày 29 /12 /2014 của UBND tỉnh Ninh Bình)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Thông qua việc rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện, lập danh mục đề xuất, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp, không bảo đảm tính đồng bộ, rườm rà, phức tạp, mâu thuẫn, chồng chéo, không quy định rõ cơ quan, đơn vị thực hiện, thời gian giải quyết, số lượng hồ sơ, cách thức thực hiện gây khó khăn, cản trở trong quá trình giải quyết công việc đối với tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính để tham mưu cho UBND tỉnh quyết định việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành hoặc xây dựng phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính để kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định, thủ tục hành chính đã được rà soát.

2. Yêu cầu

Công tác rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính phải được tiến hành một cách đồng bộ, hiệu quả, đúng thời gian; phải thực hiện việc đánh giá bằng các biểu mẫu theo đúng quy định, bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, đúng nội dung, không bỏ sót thủ tục hành chính, đồng thời phải phân tích rõ các mặt hạn chế, tồn tại (nếu có) của từng thủ tục hành chính để kiến nghị các phương án đơn giản trên cơ sở tiếp thu ý kiến của công dân, tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

Kết quả rà soát, đánh giá quy định, thủ tục hành chính phải cụ thể, thiết thực, đáp ứng được mục tiêu yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, như :

- Kiến nghị việc cắt giảm thủ tục hành chính, số lượng hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính; giảm tần suất thực hiện thủ tục hành chính, kéo dài tối đa thời hạn có hiệu lực của các loại giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ.

- Đề xuất giảm thiểu việc phát sinh các thủ tục “con” trong quá trình thực hiện thủ tục, như: Đề xuất bãi bỏ yêu cầu công chứng, chứng thực hoặc việc xác nhận thực sự không cần thiết trong hồ sơ, giấy tờ; bãi bỏ hồ sơ, giấy tờ mang tính hình thức; loại bỏ yêu cầu cung cấp các hồ sơ, giấy tờ, thông tin mà cơ quan hành chính đã có trong hồ sơ lưu; loại bỏ những yêu cầu, điều kiện không đạt được mục tiêu đặt ra; đơn giản hóa trình tự thực hiện; đa dạng hóa cách thức giải quyết.

- Đề xuất các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính bảo đảm mục tiêu đơn giản hóa thông qua các giải pháp cụ thể; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định chưa cụ thể, chưa rõ ràng về trình tự, cách thức thực hiện, số lượng hồ sơ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính.

II. NỘI DUNG, CÁCH THỨC RÀ SOÁT, ĐÁNH GIÁ

1. Nội dung rà soát, đánh giá

- Rà soát, đánh giá về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp, sự phù hợp của từng thủ tục hành chính và mức độ đáp ứng các nguyên tắc quy định tại Điều 7 và Điều 12 của Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 của Chính phủ.

[...]