Quyết định 1128/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt điều chỉnh Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long
Số hiệu | 1128/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 18/07/2012 |
Ngày có hiệu lực | 18/07/2012 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Long |
Người ký | Nguyễn Văn Thanh |
Lĩnh vực | Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội |
UỶ
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1128/QĐ-UBND |
Vĩnh Long, ngày 18 tháng 7 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 30/7/2010 của liên Bộ Tài chính và Bộ Lao động - TBXH về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” ban hành theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 05/5/2011 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về đề án dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2265/QĐ-UBND, ngày 22/10/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long;
Xét đề nghị của Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tại các nội dung sau đây:
1. Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy định tại Điểm a Khoản 3 Mục I Phần C của đề án về phạm vi và đối tượng của đề án:
“3. Đối tượng:
a) Lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (nam từ đủ 16 đến dưới 60 tuổi, nữ từ đủ 16 đến dưới 55 tuổi), có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học. Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo (được quy định tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, cận nghèo năm 2011 - 2015), người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác;
Riêng đối với một số ngành nghề như: Sinh vật cảnh, cây kiểng .v.v.. không yêu cầu cao về điều kiện sức khoẻ để làm việc thì độ tuổi các đối tượng được hỗ trợ học các nghề này có thể cao hơn độ tuổi nêu trên (nữ có thể trên 55 tuổi và nam có thể trên 60 tuổi). Hàng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của tỉnh trình UBND tỉnh xem xét, quyết định danh mục cụ thể các nghề cho phép các đối tượng lao động quá độ tuổi giới hạn nêu trên được hỗ trợ học nghề. Đơn xin học nghề của các đối tượng này phải có nội dung cam kết đủ sức khoẻ để tham gia học và làm việc theo nghề đã học”.
2. Điều chỉnh, bổ sung nội dung quy định tại Điểm a Khoản 1 Mục II Phần D của đề án:
“a) Lao động nông thôn khi tham gia học nghề được hỗ trợ chi phí học nghề trình độ sơ cấp nghề hoặc học nghề ngắn hạn và chi phí ăn ở, đi lại trong thời gian học nghề, cụ thể:
* Hỗ trợ từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động xã hội:
- Sử dụng để bổ sung cho nguồn kinh phí trung ương khi tổ chức các lớp hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn trong các trường hợp sau:
+ Lao động nông thôn thuộc các đối tượng nêu trên khi tham gia học nghề trình độ sơ cấp nghề, học nghề ngắn hạn các ngành nghề có chi phí đào tạo cao hơn mức chi hỗ trợ học nghề theo quy định của nguồn kinh phí trung ương được hỗ trợ phần chi phí đào tạo còn thiếu bổ sung từ nguồn ngân sách địa phương hoặc nguồn huy động xã hội (đóng góp của cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ) để đảm bảo điều kiện tham gia học nghề.
+ Lao động nông thôn thuộc diện hộ cận nghèo được hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người từ nguồn ngân sách địa phương.
- Ngoài ra tuỳ theo khả năng cân đối, huy động nguồn lực kinh phí hàng năm của tỉnh và các huyện, thành phố, sẽ sử dụng một phần ngân sách địa phương và các nguồn huy động xã hội để hỗ trợ chi phí học nghề cho các đối tượng lao động nông thôn theo nội dung và mức hỗ trợ như quy định hỗ trợ từ ngân sách trung ương nêu trên (khi thực hiện phải có dự toán cụ thể hàng năm và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo khả năng cân đối ngân sách).”
3. Điều chỉnh Điểm d Khoản 1 Mục II Phần D của đề án:
“d) Lao động nông thôn sau khi học nghề được vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm thuộc chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của đề án. Những người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án này. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào báo cáo đề xuất, xác nhận của Uỷ ban nhân cấp xã và các ban, ngành, đoàn thể có liên quan ở cơ sở để xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của đề án nhưng tối đa không quá 03 lần”.
Điều 2. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.