Quyết định 1109/QĐ-VPQH năm 2017 Quy chế xét, công nhận sáng kiến của Văn phòng Quốc hội

Số hiệu 1109/QĐ-VPQH
Ngày ban hành 12/07/2017
Ngày có hiệu lực 12/07/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Văn phòng quốc hội
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/QĐ-VPQH

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 01 tháng 10 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; Nghị quyết số 618/2013/UBTVQH13 ngày 10 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11; Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức;

Căn cứ Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ ban hành Điều lệ Sáng kiến;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét, công nhận sáng kiến của Văn phòng Quốc hội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Ban TĐKT TW (để b/c);
- Thường trực HĐDT, các Ủy ban của QH;
- Các Ban, Viện thuộc Ủy ban TVQH;
- Lãnh đạo VPQH;
- Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố;
- Lưu: HC, TCCB.
Số e-PAS:
52212

CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hạnh Phúc

 

QUY CHẾ

XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1109/QĐ-VPQH ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Quy chế này quy định về Hội đồng sáng kiến (gọi tắt là Hội đồng); điều kiện, tiêu chuẩn; trình tự, thủ tục xét, công nhận sáng kiến nhằm phục vụ công tác thi đua, khen thưởng, đánh giá xếp loại công chức, viên chức, lao động hợp đồng (có thời hạn từ 12 tháng trở lên, hợp đồng không xác định thời hạn) (viết tắt là cá nhân) tại các Vụ, Cục, đơn vị tương đương cấp Vụ, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị sự nghiệp thuộc Văn phòng Quốc hội và các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp (viết tắt là đơn vị).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (gọi chung là giải pháp) được Hội đồng sáng kiến có thẩm quyền công nhận.

2. Giải pháp kỹ thuật là việc áp dụng kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm: Sản phẩm, quy trình, cách thức tiến hành một quy trình.

3. Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc như: Phương pháp tổ chức công việc, phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc...

4. Giải pháp tác nghiệp bao gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào như: Phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính, phương pháp tổ chức thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, phương pháp tổ chức giám sát, tiếp xúc cử tri, tư vấn, đánh giá, phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, thu thập thông tin…

5. Giải pháp áp dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức hoặc biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật đã biết vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích xã hội.

- Hiệu quả kinh tế: nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật…

- Lợi ích xã hội: nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người...

[...]