Hướng dẫn 29/HD-VKSTC năm 2021 nội dung về xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 29/HD-VKSTC
Ngày ban hành 02/07/2021
Ngày có hiệu lực 07/07/2021
Loại văn bản Hướng dẫn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Nguyễn Hải Trâm
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/HD-VKSTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 7 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ XÉT, ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN TRONG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Căn cứ Quy chế xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân, ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-VKSTC 19/12/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế số 619); trên cơ sở thực tiễn áp dụng Quy chế; Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn về hình thức, nội dung, tiêu chí và hồ sơ xét, đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân như sau:

I. MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ XÉT, ĐỀ NGHỊ CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

1. Hình thức sáng kiến

Sáng kiến phải được thể hiện dưới 1 trong 3 hình thức dưới đây:

- Giải pháp;

- Đề án, đề tài;

- Chuyên đề.

2. Nội dung sáng kiến

2.1. Nội dung sáng kiến phải liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, bao gồm giải pháp, đề án, đề tài, chuyên đề về:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp;

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Ngành;

- Công tác phối hợp nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị trên cơ sở các quy định của pháp luật;

- Các hoạt động khác của ngành Kiểm sát nhân dân.

2.2. Đối với tác giả của sáng kiến (Giải pháp, đề án, đề tài, chuyên đề) được cơ quan có thẩm quyền (Sở Khoa học và công nghệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,...) giao, nghiệm thu, công nhận thì có thể đề nghị công nhận sáng kiến trong ngành Kiểm sát nhân dân nếu nội dung sáng kiến có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân nêu trên, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của pháp luật và Hướng dẫn này.

3. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến

Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 01 năm, kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

4. Tiêu chí xét, đề nghị công nhận sáng kiến

4.1. Tính mới

4.1.1. Đánh giá tính mới

Sáng kiến phải có tính mới; không trùng tên, nội dung với sáng kiến, giải pháp của tác giả khác đã được công bố, áp dụng, công nhận hoặc chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.

Hội đồng xét, đề nghị công nhận sáng kiến (Hội đồng sáng kiến) phải căn cứ vào công tác quản lý sáng kiến tại cấp mình, kết quả công nhận sáng kiến ngành Kiểm sát nhân dân để xác định tính mới của sáng kiến.

4.1.2. Chấm điểm tính mới (Phụ lục 3)

Hội đồng sáng kiến chấm điểm tính mới của sáng kiến như sau:

- Sáng kiến có tính mới, giải quyết được khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác cụ thể, áp dụng lần đầu tại đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 20 điểm;

- Sáng kiến có tính mới, giải quyết được khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác cụ thể, áp dụng lần đầu tại đơn vị, đã áp dụng hoặc có thể áp dụng tại một số đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 30 điểm;

- Sáng kiến có tính mới, giải quyết được khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực công tác cụ thể, áp dụng lần đầu tại đơn vị, đã áp dụng hoặc có thể áp dụng tại tất cả các đơn vị. Nếu đạt, chấm tối đa 40 điểm.

[...]