Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1109/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 1109/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/06/2015
Ngày có hiệu lực 18/06/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1109/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 18 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2015 – 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 711/2012/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển giáo dục 2011- 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 25 tháng 04 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 980/TTr-SKHĐT ngày 28 tháng 5 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm quy hoạch:

a) Phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Quy hoạch giáo dục và đào tạo trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được từ sự nghiệp giáo dục và đào tạo thời gian qua và phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

b) Quán triệt đầy đủ các chủ trương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, liên thông trong hệ thống giáo dục từ mầm non, phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến đại học, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mỗi người dân.

c) Xem giáo dục - đào tạo là một lĩnh vực dịch vụ quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và có sự đóng góp ngày càng cao vào giá trị GDP của tỉnh.

d) Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong cung cấp các dịch vụ giáo dục cơ bản, ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước cho hệ thống giáo dục cấp cơ sở, các cơ sở giáo dục chất lượng cao, các vùng kinh tế nhiều khó khăn, các khu vực tập trung dân tộc thiểu số.

đ) Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu quy hoạch:

a) Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực và cả nước. Xây dựng và phát triển Đại học Huế từng bước trở thành đại học nghiên cứu. Có hệ thống mạng lưới và cơ cấu hợp lý, có đầy đủ các điều kiện nhân tài, vật lực cho việc thực hiện các mục tiêu đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, gắn giáo dục và đào tạo với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, khu vực và cả nước. Phát huy sức mạnh tổng hợp cho phát triển giáo dục và đào tạo, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Giáo dục mầm non

Sắp xếp lại mạng lưới trường mầm non theo hướng chuẩn hóa, tập trung, tăng quy mô lớp/trường, giảm tối đa các điểm trường lẻ manh mún, lạc hậu về cơ sở vật chất; quan tâm tạo điều kiện phát triển loại hình mầm non tư thục. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phòng học để tăng khả năng huy động các cháu trong các độ tuổi đến trường đặc biệt là trẻ trước 5 tuổi, đảm bảo xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em và bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi một cách bền vững, chất lượng. Đặc biệt chú trọng chăm sóc, nuôi dạy trẻ em thuộc các dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đầm phá.

- Giáo dục phổ thông

Điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp lại mạng lưới các trường phổ thông phù hợp với tình hình phát triển của từng vùng, địa phương theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, cắt giảm một số điểm trường nhỏ, lẻ; tạo điều kiện thuận lợi thu hút thanh thiếu niên trong độ tuổi đến học tập, rèn luyện đồng thời nâng cao chất lượng dạy và học. Đến năm 2020, có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương, chuẩn bị điều kiện tốt để thực hiện mục tiêu giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

- Giáo dục nghề nghiệp

Đảm bảo hình thành hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hợp lý về quy mô và cơ cấu ngành nghề để nhằm nâng cao chất lượng, trình độ đào tạo đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật chất lượng cao, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực.

Đổi mới cơ bản, mạnh mẽ về giáo dục nghề nghiệp để tạo ra động lực phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động hiện nay và hội nhập quốc tế, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

Định hướng, tổ chức phân luồng giáo dục hợp lý nhằm thu hút các đối tượng tham gia học nghề nhằm đảm bảo đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của xã hội; đặc biệt là lực lượng lao động ở nông thôn.

[...]