Quyết định 107/QĐ-UBND năm 2009 phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 107/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/01/2009
Ngày có hiệu lực 14/01/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Tô Minh Giới
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 107/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 14 tháng 01 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11  năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị  về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XI về việc thực hiện 10 chương trình và 4 đề án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

Căn cứ Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 05 tháng 3 năm 2005 của Ban Thường vụ Thành ủy lâm thời thành phố Cần Thơ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị;

Theo đề nghị tại Tờ trình số 1110/TTr-SVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2008 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tờ trình số 698/TTr-SKHĐT ngày 19 tháng 12 năm 2008 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

Điều 1. Phê duyệt Chương trình xây dựng và phát triển văn hóa thành phố Cần Thơ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Mục tiêu chung:

Từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020: xây dựng các thiết chế văn hóa trung tâm; thu hút đào tạo nhân tài, nhân lực cho ngành; nâng cao về chất lượng, quy mô  tổ chức hoạt động văn hóa thông tin lên tầm phát triển mới nhằm mục tiêu: xây dựng đời sống văn hóa phát triển, tạo nên các công trình văn hóa, sản phẩm văn hóa tiêu biểu.

2. Định hướng phát triển:

2.1. Xây dựng các thiết chế văn hóa thông tin:

- Xây dựng Trung tâm Văn hóa Tây Đô với quy mô, hoạt động của một công viên văn hóa vừa là trung tâm văn hóa của thành phố, khu cảnh quan thiên nhiên, trung tâm dịch vụ văn hóa và vui chơi giải trí của khu vực.

- Xây dựng Trường Đại học Văn hóa Cần Thơ có vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa thông tin cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Bảo tàng Lịch sử Văn hóa đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm trưng bày, bảo tồn, nghiên cứu lịch sử văn hóa các dân tộc sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long.

- Thư viện thành phố được xếp loại I, trở thành thư viện hiện đại cấp quốc gia.

- Nhà hát Nghệ thuật tổng hợp thành phố.

- Hình thành trung tâm điện ảnh, phát hành sách - văn hóa phẩm của khu vực với các thiết chế, hoạt động: xây dựng Siêu thị sách Tây Đô, Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Cần Thơ.

2.2. Nâng cao hoạt động văn hóa lên tầm khu vực:

- Từng bước nâng các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp: sân khấu, ca múa, nhạc, kịch... lên tầm khu vực.

- Tổ chức các loại hình văn hóa quần chúng: hội thi, hội diễn, lễ hội... có quy mô tầm khu vực và cấp quốc gia.

- Xây dựng các mô hình, điển hình văn hóa có thể nhân rộng cho các tỉnh trong khu vực.

- Thu hút được lực lượng văn nghệ sĩ, nghệ nhân... của khu vực và nhiều nơi khác tham gia các hoạt động văn hóa của thành phố.

2.3. Xây dựng đời sống văn hóa phát triển:

- Xây dựng, hình thành nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ bao gồm: nếp sống văn hóa cá nhân, gia đình, cộng đồng, nếp sống văn minh nơi công cộng.

- Xây dựng con người Cần Thơ theo Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch".

- Xóa sự chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa nội ô và ngoại thành, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn thành phố.

[...]