Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 1067/QĐ-BYT năm 2015 phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam” do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1067/QĐ-BYT
Ngày ban hành 30/03/2015
Ngày có hiệu lực 30/03/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thanh Long
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1067/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 30 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM MỚI NỔI VÀ TÁI NỔI TẠI VIỆT NAM”

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31/8/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch hành động phòng chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam”.

Điều 2. Kế hoạch hành động phòng chống các chủng vi rút cúm mới nổi và tái nổi tại Việt Nam là căn cứ triển khai các hoạt động phòng chống cúm, đồng thời để các địa phương xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur; Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương; Giám đốc Sở Y tế; Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng đơn vị y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- PTTg. Vũ Đức Đam (để báo cáo);
- BT. Nguyễn Thị Kim Tiến (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ: NN và PTNT, TT-TT, CT, TC, QP, CA (để phối hợp);
- Các Đ/c Thứ trưởng Bộ Y tế (để phối hợp);
- Các thành viên BCĐPC đại dịch cúm ở người;
- Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÒNG CHỐNG CÁC CHỦNG VI RÚT CÚM MỚI NỔI VÀ TÁI NỔI TẠI VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1067/QĐ-BYT ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. Tình hình và sự biến chủng của vi rút cúm

1. Trên thế giới

Trong những năm gần đây, đặc biệt trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, dịch cúm diễn biến phức tạp với sự xuất hiện và tái bùng phát của nhiều chủng cúm mới như A(H5N1, H7N9, H5H6, H9N2, H5N2, H5N3, và H5N8 ...). WHO cảnh báo sự gia tăng gần đây của vi rút gây bệnh mới nổi như một dấu hiệu cho thấy các vi rút cúm cùng lưu hành đang nhanh chóng trao đổi vật liệu di truyền để tạo thành chủng vi rút mới và đã tạo ra một nguồn gen đa dạng tạo nên những biến đổi đặc biệt do sự trao đổi gen giữa các chủng vi rút cúm khác nhau. Do vậy, những hậu quả ảnh hưởng tới sức khỏe con người và vật nuôi là không thể dự đoán được và rất đáng lo ngại.

a) Kết quả giám sát vi rút cúm ở chim hoang dã và chim nuôi

Kể từ khi có các phương pháp hiện đại để phát hiện vi rút, người ta đã xác định được sự đa dạng và phân bố theo khu vực địa lý của các chủng vi rút cúm đang lưu hành hiện nay ở các loài chim hoang dã và chim nuôi. Sự đa dạng này chưa từng được ghi nhận trước đó. Phân týp vi rút H5 và H7 được quan tâm nhiều nhất, do chúng có thể nhanh chóng biến đổi từ chủng gây bệnh nhẹ ở chim thành chủng gây bệnh nặng và tử vong trên đàn gia cầm, gây ra dịch bệnh làm thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi gia cầm và đời sống của người dân.

Kể từ đầu năm 2014, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã thông báo về 41 vụ dịch do phân týp vi rút cúm A(H5) và cúm A(H7) ở chim liên quan đến 7 loại vi rút khác nhau tại 20 quốc gia ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, Úc, châu Âu và Trung Đông. Một vài chủng vi rút mới xuất hiện và lây lan trong các loài chim hoang dã hoặc gia cầm chỉ trong vài năm qua. Việc phát hiện vi rút cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim hoang dã cho thấy cần thiết phải tăng cường giám sát tại các trang trại chăn nuôi gia cầm. Chim nước di cư và khả năng miễn dịch là nguyên nhân làm lây lan vi rút cúm gia cầm tới các khu vực mới một cách nhanh chóng. Những chim nước di cư này sau đó tiếp xúc và gây bệnh cho chim hoang dã tại địa phương và gia cầm.

b) Cúm A(H7N9)

Vi rút cúm A(H7N9) lần đầu tiên được phát hiện gây bệnh trên người, gia cầm tại Trung quốc vào ngày 31/3/2013. Tích lũy từ tháng 02/2013 đến nay, thế giới ghi nhận tổng số 631 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) được báo cáo từ các quốc gia: 628 người từ Trung Quốc (bao gồm 04 người Đài Loan, 13 người Hồng Kông), 01 người từ Malaysia, 02 người từ Canada. Theo Ủy ban Y tế quốc gia và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (NHFPC) đã có 221 trường hợp tử vong (chiếm tỷ lệ 35%).

Phân tích dịch tễ trong năm 2013 cho thấy các trường hợp ghi nhận trên người tăng cao vào tháng 3 và tháng 4 sau đó giảm dần và chỉ có 2 trường hợp được ghi nhận trong những tháng mùa hè. Việc đóng cửa chợ gia cầm sống tại các tỉnh trong tháng 4/2013 có thể đã làm giảm các trường hợp mắc. Đợt bùng phát dịch thứ hai được bắt đầu từ tháng 10/2013, trong đợt dịch này, các trường hợp mắc được ghi nhận tăng cao, sớm hơn vào tháng 01 và ghi nhận nhiều ca hơn vào mùa xuân so với đợt dịch năm 2013. Các trường hợp mắc không được ghi nhận trong mùa hè nhưng sau đó tăng chậm vào tháng 11/2014 và tiếp tục tăng năm 2015, tuy nhiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2014.

Theo WHO, vi rút cúm A(H7N9) gây bệnh nặng trên người nhưng không gây bệnh hoặc chết trên các loài chim, gia cầm, nên dễ bỏ qua các dấu hiệu để tăng cường giám sát cúm trên người. Do đó, sau khi đã ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9) trên người mới tiến hành điều tra vi rút trên chim và gia cầm.

Theo thống kê, một số lượng lớn các trường hợp nhiễm vi rút có tiền sử phơi nhiễm với gia cầm sống hoặc môi trường bị ô nhiễm, kể cả chợ gia cầm sống, đây là yếu tố nguy cơ làm lây nhiễm vi rút cúm A(H7N9). Đến nay, nhiều bằng chứng cho thấy vi rút cúm A(H7N9) không dễ lây lan từ người sang người, mặc dù nó có thể lây truyền từ gia cầm sang người dễ dàng hơn so với vi rút cúm A(H5N1). Trong một vài chùm ca bệnh nhỏ người ta vẫn chưa loại trừ được khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người. Tỷ lệ tử vong là khoảng 36%, tuy nhiên có một số lượng đáng kể các trường hợp nhiễm vi rút mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ không bị phát hiện tại cộng đồng.

c) Cúm A(H5)

- WHO thông báo từ đầu năm 2015 đến nay, thế giới ghi nhận 100 trường hợp mắc cúm A(H5N1) tại Ai Cập (99) và Trung Quốc (01), trong đó có 32 trường hợp tử vong tại Ai Cập. Tích lũy từ cuối năm 2003 đến nay, thế giới đã ghi nhận 795 trường hợp nhiễm vi rút cúm H5N1 tại 16 quốc gia, trong đó có 435 trường hợp tử vong (chiếm 54,7%).

[...]