Quyết định 1062/QĐ-BTP năm 2008 phê duyệt Kế hoạch triển khai Luật Tương trợ tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 1062/QĐ-BTP
Ngày ban hành 05/06/2008
Ngày có hiệu lực 05/06/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Hoàng Thế Liên
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

BỘ TƯ PHÁP
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lâp- Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 1062/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Luật Tương trợ tư pháp.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Định kỳ hàng tháng, hàng quý Thủ trưởng các đơn vị báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Kế hoạch.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG THƯỜNG TRỰC




Hoàng Thế Liên

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số1062/QĐ-BTP ngày 05/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH

Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Quốc hội Khoá 12 đã thông qua Luật số 08/2007/QH12 về tương trợ tư pháp. Theo quy định tại Điều 71 của Luật Tương trợ tư pháp (sau đây gọi tắt là Luật) thì Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2008. Bộ Tư pháp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xác định các công việc và Kế hoạch cụ thể triển khai Luật nhằm đảm bảo việc thực hiện Luật có hiệu quả trong phạm vi toàn quốc, nâng cao nhận thức của nhân dân, nghiệp vụ của cán bộ, công chức thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp, tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp với các nước, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch và phù hợp với Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp

1.1. Mục tiêu, yêu cầu:

Điều 16 và Điều 62 của Luật Tương trợ tư pháp quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp như sau:

- Điều 16 quy định về Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự:

1. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả phí theo quy định của Việt Nam và của nước được yêu cầu. Trong thời hạn mười ngày làm việc, trước ngày quyết định lập hồ sơ uỷ thác tư pháp, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, tổ chức về chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp. Hồ sơ uỷ thác tư pháp chỉ được lập và gửi ra nước ngoài sau khi cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định.

Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.

- Điều 62 quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp:

1. Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp.

2. Tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự. .

3. Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 4. Đề xuất về việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp.

[...]