Quyết định 106/QĐ-UBND-HC giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014 do tỉnh Đồng Tháp ban hành

Số hiệu 106/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 06/02/2014
Ngày có hiệu lực 06/02/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/QÐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 06 tháng 02 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2014

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;

Căn cứ Chương trình số 187-CTr/TU ngày 28 tháng 12 năm 2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về Chương trình hành động năm 2014 và thực hiện Kết luận số 74-KL/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI;

Căn cứ Nghị quyết số 132/2013/NQ-HĐND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 và số 135/2013/NQ-HÐND ngày 05 tháng 12 năm 2013 về việc phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2014 của tỉnh Đồng Tháp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Ðiều 1. Ban hành những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014

1. Về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới

1.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể hóa và triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, gắn với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới.

Chú trọng các giải pháp liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, gắn với dân chủ cơ sở, nhằm tạo được sự đồng thuận cao, thu hút nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới.

- Nhân rộng mô hình cánh đồng liên kết sản xuất lúa; phát triển thêm các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ về rau màu, bắp, đậu nành, thủy sản, cây ăn trái,... Kết hợp tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện tốt khuyến cáo về kỹ thuật sản xuất, lịch thời vụ, quy trình sản xuất an toàn...

- Đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê bao theo hướng phục vụ đa mục tiêu và từng bước kiên cố hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản kết hợp phát triển giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, bố trí dân cư; gắn với khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

- Phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tập trung chỉ đạo, hỗ trợ xây dựng, phát triển 16 Hợp tác xã, Tổ hợp tác tiên tiến gắn với vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản kiểu mẫu, kết hợp với thực hiện thí điểm mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp trên cơ sở kinh nghiệm của Thái Lan, như mô hình Hợp tác xã về cây lúa, Hợp tác xã về cây xoài, Hợp tác xã về chăn nuôi… để nhân rộng, phát triển, làm nền tảng cơ bản cho việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

1.2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp, tham gia:

- Xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tế, chọn mũi nhọn đột phá cho tăng trưởng nông nghiệp của từng địa phương; tăng cường quản lý sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, kế hoạch, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tuyên truyền, vận động nông dân tham gia mô hình cánh đồng liên kết; xây dựng nông thôn mới.

- Chỉ đạo thực hiện tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Chú trọng phát huy vai trò chủ động ở cơ sở, sự tham gia thực hiện của cộng đồng, đoàn thể, doanh nghiệp; nhân rộng mô hình xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

2. Về phát triển công nghiệp; thương mại - dịch vụ, kinh tế biên giới

2.1. Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với địa phương:

- Hỗ trợ doanh nghiệp chế biến thủy sản mở rộng, liên kết vùng nuôi, gắn với việc xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp và người nuôi.

- Thực hiện kế hoạch cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt chương trình phát triển thương mại biên giới.

- Thực hiện hiệu quả việc liên kết với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, liên kết với các tổng công ty, trung tâm thương mại, để đưa hàng hóa của tỉnh vào hệ thống siêu thị lớn trong toàn quốc. Nhân rộng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp.

2.2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ, Ban Quản lý khu kinh tế, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với địa phương:

[...]