Quyết định 106/2002/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội huyện Gia Lâm giai đoạn 2001-2010 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 106/2002/QĐ-UB
Ngày ban hành 26/07/2002
Ngày có hiệu lực 10/08/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Phan Văn Vượng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 106/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 26 tháng 07 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN GIA LÂM GIAI ĐOẠN 2001-2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/09/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Lâm giai đoạn 2001-2010 tại thông báo số 331/TB-KH&ĐT ngày 31/12/2001;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm tại tờ trình số 254/TTr-UB ngày 24/05/2002;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tại tờ trình số 817/TTr – KH&ĐT ngày 24 tháng 7 năm 2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Lâm giai đoạn 2001-2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội huyện Gia Lâm giai đoạn 2001-2010

Phát huy mọi tiềm năng và lợi thế so sánh của huyện vào phát triển kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng cao, bền vững; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nâng cấp và phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển mạnh các khu công nghiệp, các khu đô thị mới; khai thác tiềm năng về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, vị trí và giao thông thuận lợi, quỹ đất phát triển; hình thành nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng; tập trung xây dựng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cấp chính quyền; đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội bức xúc, thực hiện tốt các chính sách xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là nhân dân ở khu vực nông thôn.

2. Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu:

2.1. Kinh tế

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2001 - 2010: 16%/năm, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 14%/năm và giai đoạn 2006-2010 là 18%/năm.

- Cơ cấu giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn:

+ Năm 2005: Công nghiệp mở rộng chiếm 65,87%; Dịch vụ 31,66%; Nông nghiệp 2,47%.

+ Năm 2010: Công nghiệp mở rộng 65,8%; Dịch vụ 32,9%; Nông nghiệp 1,3%.

2.2. Văn hóa - xã hội:

- Phấn đấu đến năm 2005 phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 50% đối tượng trong độ tuổi quy định; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đến năm 2010 hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trên 90%.

- Đến năm 2005, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 15%, năm 2010 giảm dưới 13,5%.

- Tốc độ tăng dân số tự nhiên giai đoạn 2001-2005 khoảng 1,15%/năm; giai đoạn 2006-2010 khoảng 1,07%/năm.

- Giải quyết tối đa nhu cầu việc làm của người lao động, trung bình giải quyết việc làm cho 7000-10.000 người/năm.

- Phấn đấu đến năm 2005, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện xuống 0,7%; đến năm 2010 tỷ lệ này còn 0,5%.

2.3. Đô thị:

- Phấn đấu đạt mật độ các tuyến đường giao thông đô thị khoảng 0,4-0,5km/km2 và các tuyến đường liên khu vực khoảng 1km/km2.

- Phấn đấu đảm bảo 100% dân cư đô thị và một phần khu vực nông thôn lân cận đô thị được sử dụng nước sạch từ tuyến ống đô thị; 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh.

3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu:

3.1. Phát triển kinh tế:

a) Công nghiệp:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng trên địa bàn giai đoạn 2001-2010 bình quân khoảng 17%/năm, trong đó giai đoạn 2001-2005 là 16%/năm và giai đoạn 2006-2010 là 18%/năm.

- Phát triển công nghiệp để tạo động lực và thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường sinh thái. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp tập trung. Tiếp tục hình thành và mở rộng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống trên địa bàn.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu công nghiệp; phát triển cơ cấu ngành đa dạng, đồng thời chú trọng phát triển một số ngành sử dụng công nghệ cao như: điện - điện tử, dệt may, chế biến thực phẩm; phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: gốm sứ Bát Tràng, dược liệu Ninh Hiệp, vàng quỳ Kiêu Kỵ...

b) Dịch vụ:

- Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ giai đoạn 2001-2010 khoảng 15%/năm, trong đó giai đoạn 2001-2005 khoảng 11%/năm và giai đoạn 2006-2010 khoảng 19%/năm.

- Khai thác tối đa tiềm năng, tập trung phát triển thương mại - du lịch - dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ phục vụ các ngành kinh tế khác như công nghiệp, nông nghiệp.

- Hình thành, phát triển các trung tâm công cộng - dịch vụ ở các trung tâm đô thị, khu nhà ở, khu vực nông thôn. Mở rộng mạng lưới thương mại - dịch vụ: quy hoạch hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ, đầu tư cải tạo và phát triển mạng lưới chợ, chợ đầu mối...

- Tập trung nâng cấp, cải tạo các di tích văn hoá, lịch sử, các điểm du lịch, nghỉ ngơi giải trí phục vụ nhu cầu của nhân dân Hà Nội và khách du lịch, tham quan; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch nhằm thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch trong nước và thế giới.

c) Nông nghiệp:

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2001-2010 khoảng 4%/năm. Phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn, chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

- Xây dựng các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, chú trọng áp dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật và công nghệ mới, nhất là công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường. Phát triển, mở rộng diện tích cây ăn quả, rau an toàn, hoa tươi, bò sữa, lợn nạc... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

3.2. Phát triển văn hóa - xã hội:

a) Giáo dục - Đào tạo:

- Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất, tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa giáo dục đào tạo.

- Đến năm 2005, phổ cập trung học phổ thông và tương đương cho 50% đối tượng trong độ tuổi; 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; hoàn thành xóa phòng học cấp 4 ở bậc phổ thông vào năm 2004.

- Phấn đấu đến năm 2010 hoàn thành phổ cập trung học phổ thông và tương đương; tỷ lệ học sinh tôt nghiệp tiểu học đạt 100%, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt trên 90%.

b) Văn hóa - Thông tin

Đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa - thông tin trên địa bàn; xây dựng nhà văn hóa, thư viện huyện; xây dựng, nâng cấp hệ thống phòng đọc ở các thị trấn, xã, các thư viện tại trường phổ thông. Tiếp tục bảo vệ, tu tạo và nâng cấp các di tích lịch sử, văn hóa. Tăng cường công tác thông tin cổ động, tổ chức tuyên truyền về chính trị, pháp luật, nếp sống văn minh, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình... Phát động và duy trì thường xuyên các cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Xây dựng, củng cố và đào tạo lực lượng cán bộ văn hóa - thông tin.

c) Y tế:

- Thực hiện tốt các chương trình y tế. Chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao các dịch vụ y tế; phòng chống có hiệu quả các bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm; thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em trong độ tuổi. Quan tâm chăm sóc sức khỏe cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo.

- Đầu tư xây dựng, củng cố và nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành y tế; mở rộng phòng khám Trâu Quỳ thành trung tâm y tế khu vực. Bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ thầy thuốc nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị và các hoạt động y tế. Tăng cường công tác quản lý dịch vụ y dược tư nhân.

- Đến năm 2005, phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 15%, tỷ lệ sinh giảm xuống khoảng 1,4%; năm 2010 tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống dưới 13,5%, tỷ lệ sinh giảm dưới 1,3%.

d) Thể dục - Thể thao:

Phát triển mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe, thể lực người dân, đồng thời phát hiện đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể dục thể thao thành tích cao. Tổ chức và xây dựng các câu lạc bộ thể dục thể thao, câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền... tại huyện, các xã, cơ quan, xí nghiệp, đơn vị vũ trang. Phát triển mạng lưới công trình phục vụ thể dục thể thao, công viên, đảm bảo tiêu chuẩn 1-2m2/người trong khu vực đô thị. Mở rộng, nâng cấp Trung tâm thể dục thể thao huyện phục vụ các giải thi đấu  lớn, trước mắt là Seagames 22.

3.3. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị:

- Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đối ngoại (đường sắt, đường bộ, đường sông và hàng không) hiện đại, thuận lợi, đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế của huyện và Hà Nội. Hình thành đồng bộ các tuyến đường giao thông trong các khu  đô thị; cải tạo, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên huyện, liên xã. Phấn đấu đạt mật độ các tuyến đường đô thị 0,4-0,5km/km2 và các tuyến đường liên khu vực khoảng 1 km/km².

- Cải tạo và nâng cấp hệ thống điện 220KV và 110KV, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, giảm tổn thất điện năng và giữ gìn cảnh quan đô thị.

- Cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước đảm bảo 100% dân cư đô thị và một phần khu vực nông thôn được sử dụng nước máy đô thị; tiếp tục xây dựng các trạm cấp nước quy mô nhỏ cho khu vực nông thôn còn lại; đảm bảo cung cấp đủ tiêu chuẩn nước sử dụng cho các khu công nghiệp.

- Cải tạo và xây dựng hệ thống thoát nước mưa; xây dựng hệ thống thoát nước thải trong khu vực đô thị, nông thôn và khu công nghiệp.

- Xây dựng một số khu đô thị mới đồng bộ, hiện đại.

- Tăng cường triển khai đấu giá quyền sử dụng đất để huy động vốn cho đầu tư phát triển.

3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái:

Từng bước hình thành một số cơ sở xử lý chất thải rắn, trạm xử lý nước thải công nghiệp, đảm bảo giữ sạch môi trường theo tiêu chuẩn của khu công nghiệp và đô thị.

- Tăng cường vai trò chính quyền cấp huyện và xã trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường. Đảm bảo thu gom 100% rác thải sinh hoạt trong ngày tại các khu vực đô thị.

4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn:

Giai đoạn 2001-2005: dự án kéo dài quốc lộ 5 đến đường Thăng Long - Nội Bài; dự án xây dựng khu công nghiệp vừa và nhỏ Dương Xá; dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Sài Đồng B giai đoạn 2, dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Daewoo - Hanel giai đoạn 1; dự án xây dựng chợ đầu mối tại Gia Thụy - Việt Hưng; dự án xây dựng chợ Hanel tại xã Thạch Bàn; dự án du lịch làng nghề Bát Tràng; dự án mở rộng Trung tâm thể dục thể thao huyện. Dự án xây dựng khu đô thị Việt Hưng, khu đô thị Đức Giang, khu đô thị Thượng Thanh.

Giai đoạn 2006-2010: dự án xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Daewoo-Hanel giai đoạn 2; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Ô Cách giai đoạn 1; dự án xây dựng trung tâm thương mại Daewoo-Hanel; dự án xây dựng mới bệnh viện đa khoa cấp huyện.

Điều 2. Tổ chức thực hiện quy hoạch

* UBND huyện Gia Lâm có nhiệm vụ:

- Công bố công khai quy hoạch để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh.

- Chủ trì, có giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của quy hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của huyện và Thành phố.

- Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với Thành phố ban hành các cơ chế, quy chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện quy định.

- Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của quy hoạch này.

- Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà huyện có thế mạnh.

- Theo dõi, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, định kỳ tổ chức đánh giá và đề xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của huyện và Thành phố.

* Các ngành chức năng của Thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn huyện Gia Lâm trong quá trình thực hiện quy hoạch này để đạt được  mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn huyện có trách nhiệm cùng huyện thực hiện tốt mục tiêu của quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Vượng