Quyết định 1022/QĐ-BCT năm 2017 phê duyệt Đề án "Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 1022/QĐ-BCT
Ngày ban hành 24/03/2017
Ngày có hiệu lực 24/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Trần Tuấn Anh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1022/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “QUY HOACH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035”

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

Phát triển thương mại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (sau đây gọi tắt là Vùng) trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Vùng; bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển thương mại cả nước và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan.

Phát triển thương mại Vùng nhanh, bền vững và hiệu quả trên cơ sở phát huy vai trò là hạt nhân, động lực phát triển kinh tế của các tỉnh phía Nam và cả nước, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với các Vùng kinh tế, đặc biệt là các Vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước.

Phát triển thương mại Vùng phải bảo đảm yêu cầu trở thành đòn bẩy để phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ khác, tăng cường xuất khẩu đi đôi với kiểm soát tốt nhập khẩu, góp phần tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng theo hướng nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của Vùng.

Phát triển thương mại Vùng trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa hệ thống hạ tầng thương mại sẵn có và các lợi thế so sánh của Vùng; với sự chuyển biến cơ bản về phương thức kinh doanh, hệ thống phân phối và hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại hóa và văn minh thương mại; có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, với lực lượng kinh doanh có trình độ, có khả năng huy động và sử dụng tốt các nguồn lực.

Phát triển thương mại Vùng theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, tăng cường xã hội hóa đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng thương mại. Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước đối với thị trường, tích cực phòng chống các hành vi kinh doanh trái phép, buôn lậu, trốn thuế và gian lận thương mại; gắn phát triển thương mại với bảo vệ môi trường sinh thái và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển thương mại với an ninh và quốc phòng.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển ngành thương mại đa dạng, hiện đại, bền vững, đáp ứng tốt những yêu cầu, đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; trên cơ sở duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, nâng cao đóng góp của ngành vào tăng trưởng GDP chung của Vùng, thực hiện tốt chức năng cung ứng, tiêu thụ và trung chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, xuất khẩu và của hoạt động du lịch cũng như nhu cầu tiêu dùng của người dân.

2.2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025:

Tăng tỷ lệ đóng góp của ngành thương mại vào GDP chung của Vùng, phấn đấu trong giai đoạn 2017 - 2020, giá trị tăng thêm ngành thương mại tăng bình quân 13,5%/năm và giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 14%/năm.

Tập trung nâng cao hiệu quả của thương mại nội địa, đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất, nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong Vùng và khách du lịch. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Vùng tăng bình quân 14 - 15%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020 và trên 13%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.’’

Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Vùng thông qua nhiều hình thức, đặc biệt là xuất khẩu ra các thị trường có khả năng tạo giá trị gia tăng cao; duy trì xuất siêu, đóng góp giá trị thặng dư thương mại vào cán cân xuất nhập khẩu của cả nước. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu của Vùng tăng bình quân khoảng 15,5%/năm trong giai đoạn 2017 - 2020 và 14%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; kim ngạch nhập khẩu tăng bình quân 12%/năm giai đoạn 2017 - 2020 và 13%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đến năm 2035: Tiếp tục là vùng kinh tế phát triển năng động với chất lượng tăng trưởng cao và điển hình về phát triển bền vững, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức; là vùng kinh tế động lực đầu tàu của cả nước, trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ mang tầm quốc tế...

Hình thành một nền thương mại vững mạnh, hiện đại và văn minh với cơ cấu ngành cân đối, hợp lý; ngành thương mại có đóng góp cao trong GDP chung của Vùng. Hệ thống phân phối phát triển đồng bộ, chuyên nghiệp với các kênh phân phối mạnh, vừa mở rộng về quy mô và phạm vi, vừa tham gia có chiều sâu vào phát triển sản xuất và phát triển tiêu dùng, đồng thời có khả năng kết nối với các tập đoàn phân phối và thị trường nước ngoài.

Hệ thống hạ tầng thương mại được tiêu chuẩn hóa; hình thành các khu thương mại - dịch vụ tập trung phát triển đan xen loại hình hiện đại và truyền thống, tạo thành các không gian mua sắm thuận tiện và văn minh tại đô thị trung tâm và các khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch... Tỷ trọng bán lẻ hàng hóa thông qua các loại hình thương mại hiện đại đạt trên 50% vào năm 2035.

Hình thức bán buôn phát triển mạnh thông qua chợ đầu mối nông sản, trung tâm bán buôn hàng xuất nhập khẩu, trung tâm giao dịch vật tư, nguyên liệu... áp dụng phổ biến các phương thức giao dịch tiên tiến, sử dụng thương mại điện tử, sàn giao dịch hàng hóa...

3. Định hướng phát triển

[...]