Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1015/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn năm 2020-2025

Số hiệu 1015/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/05/2020
Ngày có hiệu lực 05/05/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1015/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 05 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN NĂM 2020-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-BTP ngày 13 tháng 3 năm 2020 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 143/TTr-STP ngày 20 tháng 4 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận giai đoạn năm 2020-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Công tác phía Nam - Bộ Tư pháp;
- TT.Tỉnh ủy; TT.HĐND tỉnh;
- Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh (qua Ban Nội chính Tỉnh ủy);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- TAND, Viện KSND, Cục THA dân sự tỉnh;
- Kho bạc Nhà nước tỉnh;
- Bảo hiểm xã hội tỉnh;
- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh BT;
- Báo Bình Thuận, Đài PT-TH Bình Thuận;
- Lưu: VT, NCKSTTHC. N

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN NĂM 2020-2025
(Kèm theo Quyết định số 1015/QĐ-UBND ngày 05 5/2020 của UBND tỉnh Bình Thuận)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Việc xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai chủ trương xã hội hóa trong hoạt động bổ trợ tư pháp; Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Qua đó, tăng cường năng lực, hiệu quả trong hoạt động thi hành án dân sự, đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xã hội hóa hoạt động Thừa phát lại là giải pháp cải cách tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước, huy động nguồn lực và tăng cường trách nhiệm của xã hội đối với các hoạt động của Nhà nước mà nội dung trọng tâm là chuyển giao công việc của Nhà nước đang trực tiếp thực hiện cho các tổ chức xã hội, góp phần giảm và từng bước chuyển giao công việc không cần thiết phải do Nhà nước thực hiện với mục đích phát huy tiềm năng của cá nhân, tổ chức trong xã hội; giảm sự cồng kềnh của bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự, tạo điều kiện cho nhân dân lựa chọn phương thức yêu cầu thi hành án thích hợp, hiệu quả; tránh được tình trạng bất cập hiện nay trong công tác thi hành án dân sự do số lượng bản án, quyết định phải thi hành ngày càng nhiều, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí và đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự tuy từng bước được củng cố, tăng cường nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của công tác thi hành án dân sự đặt ra.

Tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định rõ việc xã hội hóa trong hoạt động thi hành án dân sự: “Nghiên cứu thực hiện và phát triển các loại hình dịch vụ từ phía Nhà nước để tạo điều kiện cho các đương sự chủ động thu thập chứng cứ chứng minh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình… từng bước thực hiện việc xã hội hóa và quy định những hình thức, thủ tục để giao cho tổ chức không phải là cơ quan Nhà nước thực hiện một số công việc thi hành án”.

Quốc hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự năm 2008; Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 và Văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 29/6/2018 của Văn phòng Quốc hội. Theo đó, có nội dung triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương.

2. Các văn bản pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại và công tác triển khai thực hiện

Ngày 24/7/2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; đến ngày 18/10/2013 Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP.

Triển khai Quyết định số 1335/QĐ-BTP ngày 25/8/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng thừa phát lại giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận là 02 Văn phòng Thừa phát lại (gồm 01 tại thành phố Phan Thiết và 01 tại thị xã La Gi). Trong năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành quyết định thành lập Văn phòng Thừa phát lại La Gi. Hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại La Gi trong thời gian qua bước đầu đã đạt được mục tiêu đặt ra cho việc thực hiện chế định Thừa phát lại ở địa phương.

Đến ngày 08/01/2020, trên cơ sở kế thừa nội dung của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại (thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP trước đây).

Triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, theo đó tại Điều 21 của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đã giao Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Về hoạt động tống đạt các loại văn bản của cơ quan thi hành án dân sự và Tòa án

[...]