Quyết định 101/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh An Giang

Số hiệu 101/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/01/2022
Ngày có hiệu lực 20/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Thanh Bình
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 101/QĐ-UBND

An Giang, ngày 20 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022 CỦA TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ tại về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị quyết số 38/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 06/TTr-SKHĐT ngày 14 tháng 01 năm 2022 về việc việc phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 tỉnh An Giang.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của tỉnh An Giang.

Điều 2. Căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng các kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch đã đề ra.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp với Cục trưởng Cục Thống kê theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong Kế hoạch và định kỳ hàng quý báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban ngành cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 101/QĐ-UBND-TH ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Phần thứ nhất

THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

Kinh tế - xã hội năm 2021 của tỉnh An Giang diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng và nguồn lây nhiễm xâm nhập qua biên giới là rất cao, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4 diễn biến nhanh, bùng phát mạnh trên diện rộng nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế của Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Trong điều kiện tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, nhưng dưới sự tập trung chỉ đạo kịp thời của Chính phủ cùng với sự quyết tâm lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các cấp, các ngành, cùng với sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có mức tăng trưởng đạt 2,15% so cùng kỳ (năm 2021 là 2,46%). Mức tăng này thấp hơn cùng kỳ, nhưng được xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng trong thời gian qua.

I. Lĩnh vực kinh tế

1. Tăng trưởng kinh tế

Đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 2,15%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ (năm 2020 là 2,46%), cụ thể:

- Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản: là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong giai đoạn phát triển khó khăn đầy thách thức như hiện nay, năng suất lúa tăng cao, chăn nuôi tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2,22% cao hơn so với cùng kỳ (năm 2020 là 1,97%). Tổng diện tích gieo trồng cả năm khoảng 673 ngàn ha, đạt 99,84% so với kế hoạch và bằng 97,88% so với cùng kỳ (giảm 14,6 ngàn ha). Năng suất lúa bình quân cao hơn so với cùng kỳ năm trước, nhờ sản xuất thuận lợi và trúng mùa, trúng giá; sản lượng thu hoạch của các loại cây lâu năm tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ (tăng so với cùng kỳ là 19,4 ngàn tấn); tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản lượng thủy sản cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, từ đó khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá.

- Khu vực công nghiệp - xây dựng: khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,69%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (năm 2020 là 6,66%). Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng thấp hơn so với cùng kỳ do ngành công nghiệp chế biến ngành xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong khu vực nhưng lại tăng trưởng thấp, vì thế mức tăng trưởng của 02 ngành này đã chi phối toàn khu vực. Trong khi đó, ngành sản xuất và phân phối điện có mức tăng trưởng cao nhất nhưng do chiếm tỷ trọng nhỏ trong khu vực, nên không thể tạo sức ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của toàn khu vực1. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước như ngành ngành khai khoáng, ngành chế biến, chế tạo, sản xuất và phân phối điện khí đốt nước nóng hơi nước nóng và điều hòa không khí.

[...]