Nghị quyết 126/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 do tỉnh Khánh Hòa ban hành

Số hiệu 126/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2021
Ngày có hiệu lực 10/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Trần Mạnh Dũng
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 126/NQ-HĐND

Khánh Hòa, ngày 10 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét Tờ trình số 12080/TTr-UBND ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 191/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và tiếp thu, giải trình tại Văn bản số 12521/UBND-TH ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

- Tập trung thực hiện có hiệu quả “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; không để dịch bệnh lây nhiễm trong cộng đồng và tái bùng phát dịch. Tập trung phát triển kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chịu đựng của nền kinh tế. Mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điều 2. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2022

1. Các chỉ tiêu kinh tế

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 8,5%.

- GRDP bình quân đầu người ước đạt 70,46 triệu đồng/người.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.365 triệu USD.

- Thu ngân sách nhà nước năm 2022 là 12.015 tỷ đồng, trong đó thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 2.075 tỷ đồng, thu nội địa là 9.940 tỷ đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 61.978 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021.

2. Các chỉ tiêu xã hội

- Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận nghèo đa chiều 2022 - 2025): 0,33%.

- Số lao động có việc làm tăng thêm trong năm khoảng 11.500 người.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 82%, trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 27,6%.

- Số giường bệnh công lập trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 33 giường/một vạn dân; số bác sĩ công lập trên một vạn dân ước đạt 9 bác sĩ/một vạn dân.

- Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2022 đạt 8,5%.       

- Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 đạt 93%.

- Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội (bắt buộc và tự nguyện) đạt 27,76%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 21,88%.

- Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2022 đạt 62%.

- Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 65/92 xã (tỷ lệ 70,7%).

[...]