KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 10/2006/QĐ-UBND ngày 12/01/2006 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương).
I. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU
1. Mục tiêu:
Đưa nội dung của Bộ luật Dân sự bằng nhiều hình
thức như: Hội nghị triển khai giới thiệu những điểm mới; Hội thảo theo từng
chuyên đề, chuyên mục giới thiệu, giải đáp pháp luật; in và phát hành tờ rơi, tờ
bướm; tuyên truyền trực tiếp các quy định của Bộ luật Dân sự đến mọi tầng lớp
nhân nhân để hiểu biết, nắm vững và thực hiện đúng Bộ luật Dân sự.
2. Yêu cầu:
Triển khai từng nhóm vấn đề cụ thể cho từng đối
tượng cụ thể. Trước mắt, ưu tiên cho đội ngũ cán bộ, công chức; Báo cáo viên
pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và Tuyên truyền viên ở cơ sở. Sau đó, triển khai
rộng khắp đến nhân dân (kể cả đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng sâu,
vùng xa).
II. NỘI DUNG
Triển khai Bộ luật Dân sự năm 2005 và các văn bản
hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự.
III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI
A. Đối với cấp tỉnh:
1. Thường trực Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật tỉnh có trách nhiệm:
a) Chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai, giới thiệu
Bộ luật Dân sự cấp tỉnh. Thành phần tham dự Hội nghị gồm:
- Cấp tỉnh:
Đại diện: Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; Lãnh đạo các sở,
ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Lãnh đạo các đơn vị Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh;
Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý; Trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật
công binh…
Thành viên Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến,
giáo dục pháp luật tỉnh; báo cáo viên pháp luật;
- Cấp huyện:
Đại diện: Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân; cán bộ Văn
phòng; phòng Tư pháp;
- Cấp xã: Đại diện Ủy ban nhân dân, cán bộ Tư
pháp và Văn phòng cấp xã.
Thời gian thực hiện: Tháng 01/2006.
b) Hội thảo các chuyên đề như: Quyền xác định lại
giới tính; Biện pháp bảo đảm thực hiện nghỉa vụ Dân sự; Quan hệ dân sự có yếu tố
nước ngoài….
Nội dung: Theo nhóm vấn đề liên quan đến quyền
và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, công dân (sau khi có các văn bản hướng dẫn
thi hành Bộ luật Dân sự).
Thời gian thực hiện: Cả năm 2006.
c) Tổ chức thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự (có kế hoạch
riêng).
Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2006 đến Quý III
năm 2007.
d) Phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã Thủ Dầu Một tuyên truyền đến mọi đối tượng trên địa
bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Cả năm 2006 đến Quý III năm
2007.
đ) Phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Thủ Dầu Một tổ chức in ấn tài liệu tuyên truyền,
phổ biến giáo dục nội dung của Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành
theo từng nhóm đối tượng và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Thời gian thực hiện: Cả năm 2006 đến Quý III năm
2007.
e) Tổ chức tổng kết cuộc thi tìm hiểu Bộ luật
Dân sự và Báo cáo đánh giá sau gần 02 năm triển khai, thi hành Bộ luật Dân sự.
Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2007.
2. Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể và thành
viên của Hội đồng Phối hợp công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh có
trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai các quy định của Bộ luật
Dân sự đến cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị mình. Phối hợp với Giám đốc
Sở Tư pháp để triển khai Kế hoạch này và cử báo cáo viên tham gia phổ biến Bộ
luật Dân sự khi có yêu cầu.
b) Xây dựng kế hoạch triển khai và dự trù kinh
phí phổ biến Bộ luật Dân sự theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của
Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho
công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
c) Các sở, ngành: Nông nghiệp và phát triển Nông
thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Xây
dựng, Y tế và Liên minh các Hợp tác xã có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp để
triển khai các văn bản luật chuyên ngành có liên quan đến Bộ luật Dân sự.
d) Báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Bộ luật
Dân sự theo từng quý và tổng kết sau gần 2 năm triển khai thực hiện cho Sở Tư
pháp tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Trung ương.
Thời gian thực hiện: Cả năm 2006 đến Quý III năm
2007.
B. Đối với cấp huyện:
1. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục
pháp luật có trách nhiệm:
a) Tổ chức triển khai nội dung của Bộ luật Dân sự
đến đội ngũ cán bộ, công chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên và nhân dân trên
địa bàn.
b) In ấn tài liệu tuyên truyền cấp phát đến cán
bộ và nhân dân trên địa bàn.
c) Dự trù kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật
theo Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05/8/2005 của Bộ Tài chính nêu trên.
Trong trường hợp thiếu báo cáo viên thì đề nghị
tỉnh hỗ trợ.
d) Bám sát Kế hoạch này để xây dựng Kế hoạch của
địa phương mình cho phù hợp. Hàng quý báo cáo Sở Tư pháp để tổng hợp chung.
đ) Chuẩn bị công tác tổ chức cuộc thi tìm hiểu Bộ
luật Dân sự trên địa bàn theo tiến độ chung của tỉnh.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách
nhiệm:
a) Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức cấp huyện và Chủ
tịch Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai nội dung của Bộ luật Dân sự đến cán bộ,
công chức từng cơ quan, đơn vị và nhân dân.
b) Cân đối nguồn ngân sách địa phương để triển
khai Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
c) Phối hợp với Giám đốc sở Tư pháp, Thủ trưởng
các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh để chỉ đạo, tổ chức triển khai Bộ luật Dân sự
đến mọi đối tượng.
d) Tổ chức sơ kết, tổng kết quá trình triển
khai, thực hiện Bộ luật Dân sự, gửi báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo
Chủ tịch UBND tỉnh và Trung ương theo tiến độ.
C. Đối với cấp xã:
Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Thường trực Hội đồng
Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có trách nhiệm:
Tổ chức triển khai phổ biến các nội dung của Bộ
luật Dân sự trên địa bàn quản lý hành chính của mình theo kế hoạch của huyện, tỉnh.
D. Đối với các cơ quan thông tin đại chúng :
1. Báo Bình Dương:
Tăng chuyên trang, chuyên mục giới thiệu những
điểm mới; hỏi – đáp pháp luật... để tuyên truyền nội dung của Bộ luật Dân sự đến
bạn đọc.
2. Đài Phát thanh và truyền hình Bình Dương:
Tăng thời lượng phát sóng và có kế hoạch ưu tiên
phát sóng các chuyên mục giới thiệu, giải thích nội dung của Bộ luật Dân sự năm
2005.
Trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch
này, mọi vấn đề thắc mắc đề nghị phản ánh về Sở Tư pháp – cơ quan Thường trực Hội
đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh để tổng hợp và báo cáo
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bộ luật Dân sự là một Bộ luật lớn trong hệ thống
pháp luật của Nhà nước ta, có ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng đến đời sống xã hội.
Việc chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện Bộ luật này có ý nghĩa rất to lớn
trong công cuộc xây dựng pháp chế xã hội chủ nghĩa ở địa phương. Vì vậy, yêu cầu
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng
cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và coi việc tổ chức, triển khai Bộ luật này là một
nhiệm vụ trọng tâm trong suốt năm 2006 và năm 2007. Đồng thời báo cáo kết quả
theo tiến độ về Sở Tư pháp để tổng hợp chung./.