ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
10/2001/QĐ-UB
|
Hà
Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2001
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢNG
CÁO BẰNG BIỂN, BẢNG VÀ BĂNG ĐRÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Nghị định số 194/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ về hoạt động quảng cáo
trên lãnh thổ Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 12/12/1995 của Chính phủ về Tăng cường quản lý
các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh, bài trừ một số tệ nạn xã hội
nghiêm trọng;
Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 19/06/1996 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ
sung một số điều khoản của Quy chế ban hành kèm theo nghị định số 87/CP của
Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 32/1999/NĐ-CP ngày 05/05/1999 của Chính phủ về khuyến mại,
quảng cáo thương mại và Hội chợ triển lãm thương mại;
Căn cứ Thông tư số 37/VHTT-TT ngày 01/07/1995 của Bộ Văn hoá và Thông tin về việc
hướng dẫn thi hành chi tiết Nghị định số 194/CP của Chính phủ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá và Thông tin tại Công văn số 33/VHTT ngày
10/01/2001,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành theo Quyết định này bản Quy định quảng cáo bằng
biển, bảng và băng đrôn trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Điều 2:
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và
thay thế Quyết định số 18/1998/QĐ-UB ngày 25/06/1998 của UBND thành phố Hà Nội.
Điều 3:
Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Văn hoá
và Thông tin, Giao thông Công chính, Xây dựng, Kiến trúc sư trưởng Thành phố,
Thủ trưởng các Sở Ngành có liên quan và Chủ tịch UBND các Quận, Huyện chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
T/M
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Quốc Triệu
|
QUY ĐỊNH
QUẢNG CÁO BẰNG BIỂN, BẢNG VÀ BĂNG ĐRÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2001/QĐ – UB ngày 09 tháng 03 năm 2001 của
UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Mọi tổ chức, cá nhân hoạt động quảng cáo trên địa bàn
thành phố Hà Nội phải chấp hành nghiêm chỉnh những quy định hiện hành của Nhà
nước.
Điều 2:
Phạm vi của quy định là hoạt động quảng cáo bằng biển,
bảng và băng đrôn về doanh nghiệp, hàng hoá dịch vụ, nhãn hiệu của hàng hoá,
tên gọi và biểu tượng của cơ sở sản xuất và kinh doanh, quảng cáo cho các cuộc
Hội nghị, Hội thảo, Triển lãm, Hội chợ, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động
thể thao và hoạt động vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương 2:
QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO BẰNG
BIỂN, BẢNG VÀ BĂNG ĐRÔN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Điều 3:
Không thực hiện quảng cáo bằng biển, bảng có diện tích
trên 15 m2 và băng đrôn tại:
1– Quảng trường Ba Đình bao gồm
các tuyến phố liền kề khu vực Quảng trường: Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn
Tri Phương, Điện Biên Phủ, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Chu Văn An.
2- Hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố
bao quanh Hồ: Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng và các phố phụ cận: Đinh Lễ,
Lê Thạch, Lê Lai, Trần Nguyên Hãn, Hàng Dầu, Báo Khánh, đoạn cuối Hàng Trống cắt
với Lê Thái Tổ, đoạn Lương Văn Can cắt với Lê Thái Tổ và khu vực ngã năm Đài
phun nước và dốc Hàng Đào.
3-Quảng trường Cách mạng Tháng 8
(Nhà hát lớn Thành phố).
4-Tuyến phố: Tràng Tiền, Tràng
Thi.
5-Các giải đường phân cách; Trên
mặt các hồ nước của Thành phố.
6-Khu vực bảo vệ tôn tạo cấp II
của khu phố cổ Hà Nội được giới hạn: phía Bắc là Phố Hàng Đậu; Phía Tây là Phố
Phùng Hưng; Phía Nam là Phố Hàng Bông, Phố Hàng Gai; Phía Đông là Phố Trần
Quang Khải.
Điều 4:
Được phép thực hiện quảng cáo bằng biển, bảng với các chất
liệu (trừ chất liệu mặt tôn khung sắt) có diện tích một mặt tối đa là 60 m2
có kết cấu chân cột biển từ mặt đất và biển, bảng có diện tích tối đa là
40 m2 đặt ốp vào tường nhà, trên nóc nhà, trong khu vực vành đai II
(trừ các khu vực tại Điều 3) được giới hạn bằng tuyến đường phố sau: Bưởi,
Láng, Trường Chinh, Đại La, Minh Khai, Lĩnh Nam, Nguyễn Khoái, Trần Khánh Dư,
Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Yên Phụ, Nghi Tàm, Âu Cơ và Lạc Long Quân.
Điều 5:
1-Được
phép thực hiện quảng cáo bằng biển, bảng với các chất liệu có diện tích một mặt
tối đa không quá 200m2 ngoài khu vực vành đai II.
2-Thực hiện việc quản lý quảng
cáo theo Quyết định số 3607/QĐ- UB ngày 17/12/1994 của UBND Thành phố Hà Nội tại
tuyến đường Bắc cầu Thăng Long – Sân bay Quốc tế Nội Bài.
Điều 6:
Biển, bảng quảng cáo có diện tích một mặt từ 30m2
trở lên đặt ở các công trình kiến trúc và trên 60 m2 đặt tại
các vị trí khác phải được sự phê duyệt của Hội đồng thẩm định hồ sơ quảng cáo
Thành phố về cảnh quan kiến trúc, độ bền vững của biển, bảng và trật tự an toàn
giao thông đô thị.
Điều 7:
Biển, bảng quảng cáo có diện tích từ 15 m2 trở
xuống đặt tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng phải tuân theo
những điều kiện sau đây:
1-Không lấn chiếm không gian
công cộng. Chiều cao tối đa bằng 1/2 chiều dài.
2-Các cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ chủng loại hàng hoá nào, được đặt biển, bảng quảng cáo cho chủng
loại hàng hoá đó. Biển, bảng quảng cáo phải đặt cách biển hiệu ít nhất là 10 cm
và không dùng chất liệu tôn sắt.
Điều 8:
Biển, bảng quảng cáo điện tử LED mầu có diện tích tối đa
là 60m2 có kết cấu chân cột vững chắc từ mặt đất, trước khi thực hiện
phải có ý kiến phê duyệt của Hội đồng thẩm định hồ sơ quảng cáo Thành phố.
Điều 9:
1-Đối với
quảng cáo bằng đrôn cho các cuộc Hội nghị, Hội thảo, Triển lãm, Hội chợ, hoạt động
biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao và hoạt động vui chơi giải trí:
- Không dùng nền đỏ chữ vàng.
- Cấp phép một lần với số lượng
tối đa là 20 băng đrôn cho một chương trình quảng cáo và phải treo đúng các vị
trí đã quy định của Sở Văn hoá và Thông tin.
- Kích thước của băng đrôn có
chiều rộng từ 0,8m đến 1m, chiều dài là 8m.
- Thời hạn treo không quá 10
ngày.
2-Cờ phướn, áp phích chỉ được
treo trong khuôn viên địa điểm tổ chức Hội nghị, Hội thảo, Triển lãm, Hội chợ,
hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao và hoạt động vui chơi giải
trí.
Điều 10:
Các cá nhân và đơn vị khi thực hiện quảng cáo phải đảm bảo
lắp dựng biển, bảng vững chắc, an toàn. Nếu quảng cáo không an toàn, gây thiệt
hại tới tài sản của xã hội, tính mạng và tài sản của cá nhân thì đơn vị hoặc cá
nhân được cấp Giấy phép thực hiện quảng cáo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước
pháp luật.
Chương 3:
THỦ TỤC XIN CẤP PHÉP
Điều 11:
Hồ sơ xin cấp Giấy phép thực hiện quảng cáo gồm:
1-Đơn xin phép thực hiện quảng
cáo (theo mẫu)
2-Bản sao Giấy chứng nhận đăng
ký kinh doanh (nộp một lần)
3-Bản sao Giấy chứng nhận tiêu
chuẩn chất lượng hàng hoá, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tên sản phẩm, biểu
tượng.
4-Nếu người làm dịch vụ quảng
cáo đứng tên xin Giấy phép thực hiện quảng cáo thì kèm theo hợp đồng giữa chủ
quảng cáo và người làm dịch vụ quảng cáo. Trường hợp chủ quảng cáo đứng tên xin
Giấy phép thực hiện quảng cáo, thì lệ phí cấp Giấy phép sẽ được áp dụng thu
theo Hợp đồng quảng cáo tương tự.
5-Mẫu (maket) quảng cáo cần thể
hiện rõ màu sắc, kích thước và có đóng dấu của đơn vị đứng tên xin phép.
6-Hợp đồng giữa người làm dịch vụ
quảng cáo (hoặc chủ quảng cáo) với người có quyền sở hữu hoặc sở hữu hoặc quyền
sử dụng địa điểm, phương tiện mà biển, bảng quảng cáo sẽ đặt tại đó.
Điều 12:
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hoá và Thông tin
có trách nhiệm:
1-Cấp giấy phép thực hiện quảng
cáo trên 15m2 trong thời gian 15 ngày.
- Cấp giấy phép thực hiện quảng
cáo từ 15 m2 trở xuống trong thời gian 10 ngày.
- Cấp Giấy phép thực hiện quảng
cáo treo băng đrôn trong thời gian 06 ngày.
2-Thu lệ phí cấp Giấy phép thực
hiện quảng cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
3-Trả lời bằng văn bản đối với
những trường hợp không đủ điều kiện cấp phép.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13:
Sở Văn hoá và Thông tin là cơ quan chịu trách nhiệm tiếp
nhận hồ sơ và cấp Giấy phép thực hiện quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 14:
1-Hội đồng
thẩm định hồ sơ quảng cáo Thành phố bao gồm các thành viên là đại diện của các
Sở, Ngành: Văn hoá và Thông tin, Giao thông Công chính, Xây dựng, Kiến trúc sư
trưởng thành phố có trách nhiệm xem xét, thẩm định, phê duyệt hồ sơ trước khi cấp
phép trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ do sở Văn hóa và Thông
tin chuyển đến.
2-Quy chế tổ chức và hoạt động của
Hội đồng thẩm định hồ sơ quảng cáo Thành phố do UBND Thành phố quy định.
Điều 15:
1-Sở Văn
hoá và Thông tin có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ban, Ngành liên quanvà
UBND các cấp để tuyên truyền, phổ biến và tổ chức hướng dẫn thực hiện quy định
này.
2-Trong quá trình thực hiện nếu
có vấn đề gì cần bổ sung, sửa đổi, Sở Văn hoá và Thông tin có trách nhiệm tổng
hợp ý kiến và đề xuất trình UBND Thành phố xem xét quyết định.
Điều 16:
Các lực lượng Thanh tra Văn hoá và Thông tin và các
Ngành chức năng của Thành phố, Quận, Huyện kiểm tra xử lý sai phạm về hoạt động
quảng cáo theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
|
T/M
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Quốc Triệu
|