ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
08/2024/QĐ-UBND
|
Khánh Hòa, ngày
19 tháng 4 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật giáo dục ngày 14 tháng 9 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26
tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương
trình giáo dục phổ thông, Chương trình tổng thể và Chương trình môn học/hoạt động
giáo dục;
Căn cứ Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28
tháng 12 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định việc lựa chọn
sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
Khánh Hòa tại Tờ trình số 757/TTr-SGDĐT ngày 22 tháng 3 năm 2024 và ý kiến thống
nhất của các Thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại cuộc họp ngày 04
tháng 4 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định tiêu chí lựa chọn
sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ pháp chế - Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Các ban HĐND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh Khánh Hòa;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Khánh Hòa;
- Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa;
- Báo Khánh Hòa;
- Lưu: VT, TmN, NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hữu Hoàng
|
QUY ĐỊNH
TIÊU
CHÍ LỰA CHỌN SÁCH GIÁO KHOA TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
KHÁNH HÒA
(Kèm theo Quyết định số 08/2024/QĐ-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Chương 1
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định chi tiết về các tiêu chí lựa
chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với trường tiểu học, trường
trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học,
trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường
xuyên và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương
trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông (sau
đây gọi chung là cơ sở giáo dục), các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan
đến việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh
Khánh Hòa.
Chương II
QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ LỰA CHỌN
SÁCH GIÁO KHOA
Điều 3. Phù hợp với đặc điểm
kinh tế - xã hội của địa phương
1. Nội dung sách giáo khoa đảm bảo các yêu cầu
a) Thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương
trình môn học/hoạt động giáo dục; ngôn ngữ và cách thức thể hiện phù hợp với
văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương, giúp việc giáo dục chính trị, tư tưởng,
truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh tốt hơn.
b) Bảo đảm tính cơ bản, khoa học, thiết thực, phù hợp
và linh hoạt giúp giáo viên thiết kế bài giảng phù hợp với khả năng học tập của
nhiều nhóm đối tượng học sinh tại địa phương.
2. Cấu trúc sách giáo khoa có tính mở, tạo điều kiện
để nhà trường chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch
giáo dục 2 buổi/ngày; thuận tiện khi tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên bổ sung,
điều chỉnh, tích hợp những nội dung mang tính giáo dục liên môn và tổ chức các
hoạt động dạy học, giáo dục đặc thù, sát thực, phù hợp với thực tiễn địa
phương.
3. Ngôn ngữ chuẩn tiếng Việt (trừ sách giáo khoa
môn Ngoại ngữ) và cách thức thể hiện phù hợp, gần gũi với văn hóa, lịch sử, địa
lý của tỉnh. Tránh dùng ngôn ngữ bản địa, vùng miền khác gây khó hiểu đối với học
sinh.
4. Chất lượng giấy in tốt; khổ sách, cỡ chữ, font
chữ theo đúng quy định; đóng gáy sách đảm bảo sử dụng lâu dài nhằm tiết kiệm
kinh phí cho nhà trường và cha mẹ học sinh, thuận tiện trong quá trình sử dụng.
Điều 4. Phù hợp với điều kiện tổ
chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông
1. Phù hợp với việc học của học sinh
a) Sách giáo khoa trình bày khoa học, hấp dẫn, cân
đối, hài hoà giữa kênh chữ và kênh hình, đảm bảo tính thẩm mỹ; kênh hình sách
giáo khoa chân thực, gần gũi với cuộc sống giúp học sinh dễ nhận biết, tạo được
sự hứng thú cho học sinh; phù hợp với đặc trưng môn học và phù hợp với tâm lý lứa
tuổi học sinh.
b) Các bài/chương/chủ đề sách giáo khoa có tính liền
mạch, lôgic, hiện đại, thiết thực, dễ hiểu, được chỉ dẫn rõ ràng, với các hoạt
động phong phú, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đảm bảo các yêu cầu cần đạt
của chương trình.
c) Mỗi bài học/chủ đề thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ
đáp ứng yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực học sinh và yêu cầu về đánh giá
kết quả giáo dục được quy định trong chương trình môn học; tạo cơ hội và khuyến
khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập, phát huy tiềm năng của
mỗi học sinh như khả năng tự học, tự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức và vận dụng
kiến thức vào thực tiễn.
d) Từng bài học hướng đến việc phát triển phẩm chất,
năng lực, kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn
cuộc sống.
đ) Tranh, ảnh, bảng biểu, đồ thị, bản đồ, hình vẽ
trong sách giáo khoa rõ ràng, chính xác, cập nhật, có tính thẩm mỹ, phù hợp với
nội dung bài học, phù hợp lứa tuổi học sinh.
2. Phù hợp với điều kiện tổ chức hoạt động dạy học
đối với giáo viên
a) Các bài học/chủ đề trong sách giáo khoa có tính
mở được thiết kế, trình bày với đa dạng các hoạt động, thuận lợi cho giáo viên
trong việc lựa chọn phương án, hình thức tổ chức và phương pháp dạy học tích cực.
b) Sách giáo khoa có các nội dung, chủ đề kiến thức
liên môn giúp giáo viên có thể thực hiện dạy học tích hợp, gắn kết bài học với
thực tiễn cuộc sống; phù hợp với năng lực đội ngũ giáo viên.
c) Nội dung sách giáo khoa thể hiện rõ, đủ các yêu
cầu về mức độ cần đạt, đảm bảo mục tiêu phân hóa, giúp giáo viên có thể lựa chọn
công cụ, hình thức và phương pháp đánh giá được mức độ đáp ứng yêu cầu về phẩm
chất, năng lực của học sinh.
d) Nội dung sách giáo khoa tạo điều kiện để nhà trường,
tổ/nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học
sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển
năng lực, phẩm chất người học.
Điều 5. Các yếu tố đi kèm với
sách giáo khoa
Các yếu tố đi kèm với sách giáo khoa đảm bảo phù hợp
với các tiêu chí nêu tại Điều 3, Điều 4 của Quy định này và các quy định có
liên quan góp phần hướng dẫn, hỗ trợ tốt cho việc sử dụng sách giáo khoa và
phát hành kịp thời sách giáo khoa đến cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh; cụ
thể:
1. Nội dung phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất,
trang thiết bị và các điều kiện dạy học khác tại địa phương.
2. Nguồn tài nguyên, học liệu điện tử bổ sung đa dạng,
phong phú, hữu ích, dễ khai thác và sử dụng, phù hợp với điều kiện của cơ sở
giáo dục.
3. Nhà xuất bản sách giáo khoa và các tác giả phối
hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ đội ngũ giáo
viên, cán bộ quản lý trong việc sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.
4. Danh mục thiết bị hỗ trợ theo yêu cầu của sách
giáo khoa phù hợp, có chất lượng, dễ sử dụng, giá thành hợp lý.
5. Khả năng cung ứng, phát hành sách giáo khoa đầy
đủ, đồng bộ, đáp ứng kịp thời trước khai giảng năm học mới.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ
quan, đơn vị và địa phương
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra
các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa theo đúng
hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định hiện hành của pháp luật, đảm
bảo công khai, minh bạch, khách quan.
b) Thẩm định hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa của các cơ
sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; rà soát báo cáo của các Phòng Giáo dục và
Đào tạo về kết quả thẩm định và danh mục sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục
lựa chọn; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục,
trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.
c) Thông báo đến các cơ sở giáo dục danh mục sách
giáo khoa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn phê duyệt.
d) Báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục sách
giáo khoa được lựa chọn; cung cấp thông tin bằng văn bản cho các tổ chức, nhà
xuất bản có sách giáo khoa được lựa chọn về danh mục, số lượng sách giáo khoa mỗi
tổ chức, nhà xuất bản cần cung ứng cho các cơ sở giáo dục tại địa phương cùng
thời điểm công bố danh mục sách giáo khoa được phê duyệt theo quy định để đảm bảo
có đầy đủ sách giáo khoa trước khi bắt đầu mỗi năm học mới.
đ) Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bảo đảm nguồn kinh
phí, cơ sở vật chất để tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, kiểm
tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo
khoa.
b) Bảo đảm nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để tổ chức
lựa chọn sách giáo khoa.
c) Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc tổ chức lựa
chọn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
3. Phòng Giáo dục và Đào tạo
a) Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc thẩm
quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Thẩm định hồ sơ lựa chọn sách
giáo khoa của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý theo quy định; tổng hợp,
báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở
giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
b) Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý
thông báo danh mục sách giáo khoa đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đến
giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh; hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa theo quy
định,
c) Đề xuất dự toán với Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố để bố trí nguồn kinh phí, cơ sở vật chất để các cơ sở giáo dục
thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.
d) Thực hiện kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc phạm
vi quản lý về việc tổ chức lựa chọn và sử dụng sách giáo khoa theo quy định của
pháp luật.
4. Các cơ sở giáo dục
a) Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa theo quy định tại
Thông tư số 27/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 12 năm 2023 quy định việc lựa chọn
sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và Quyết định này; báo cáo Sở
Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông), Phòng Giáo dục và Đào tạo
(đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở) về kết quả lựa chọn sách giáo
khoa.
b) Thông báo danh mục sách giáo khoa được Ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt sử dụng trong cơ sở giáo dục đến giáo viên, học sinh,
cha mẹ học sinh.
c) Sử dụng hiệu quả sách giáo khoa trong quá trình
dạy học; hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sử dụng sách giáo khoa
theo quy định.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Giao Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, triển khai,
hướng dẫn thực hiện Quy định này theo đúng quy định của pháp luật.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn hoặc
phát sinh vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung; các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân
có liên quan phản ánh về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo đúng quy định hiện hành./.