Quyết định 08/2008/QĐ-BTNMT về Quy phạm thành lập lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Số hiệu 08/2008/QĐ-BTNMT
Ngày ban hành 10/11/2008
Ngày có hiệu lực 05/12/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài nguyên và Môi trường
Người ký Nguyễn Văn Đức
Lĩnh vực Bất động sản,Tài nguyên - Môi trường

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

---------------

Số: 08/2008/QĐ-BTNMT

Hà Nội, ngày 10 tháng 11  năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY PHẠM THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TỶ LỆ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 VÀ 1:10000

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Đất đai công bố ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của các ông Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000” áp dụng thống nhất trong cả nước đối với việc đo đạc, thành lập bản đồ địa chính phục vụ công tác quản lý đất đai.

Điều 2: Quy phạm này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000, 1:10000 và 1:25000 ban hành kèm theo Quyết định số 720/1999/QĐ-ĐC ngày 30 tháng 12 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính.

Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Văn Đức

 

QUY PHẠM

THÀNH LẬP BẢN ĐỒ ĐỊA CHÍNH TỶ LỆ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 VÀ 1:10000
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BTNMT ngày 10 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)

1. QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Quy phạm thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 này quy định thống nhất trong cả nước những yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho việc đo đạc, thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 theo pháp luật đất đai của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

1.2. Khi đo đạc, thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ 1:200, 1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000 và 1:10000 và thực hiện các công việc có liên quan đến bản đồ địa chính phải tuân theo các quy định trong Quy phạm này.

1.3. Trong Quy phạm này các khái niệm dưới đây được hiểu như sau:

1. Thửa đất: là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ. Ranh giới thửa đất trên thực địa được xác định bằng các cạnh thửa là tâm của đường ranh giới tự nhiên hoặc đường nối giữa các mốc giới hoặc địa vật cố định (là dấu mốc hoặc cọc mốc) tại các đỉnh liền kề của thửa đất; ranh giới thửa đất mô tả trên hồ sơ địa chính được xác định bằng các cạnh thửa là đường ranh giới tự nhiên hoặc đường nối giữa các mốc giới hoặc địa vật cố định. Trên bản đồ địa chính tất cả các thửa đất đều được xác định vị trí, ranh giới (hình thể), diện tích, loại đất và được đánh số thứ tự. Trên bản đồ địa chính ranh giới thửa đất phải thể hiện là đường bao khép kín của phần diện tích đất thuộc thửa đất đó. Trường hợp ranh giới thửa đất là cả đường ranh tự nhiên (như bờ thửa, tường ngăn,…) không thuộc thửa đất mà đường ranh tự nhiên đó thể hiện được bề rộng trên bản đồ địa chính thì ranh giới thửa đất được thể hiện trên bản đồ địa chính là mép của đường ranh tự nhiên giáp với thửa đất. Trường hợp ranh giới thửa đất là cả đường ranh tự nhiên không thuộc thửa đất mà đường ranh tự nhiên đó không thể hiện được bề rộng trên bản đồ địa chính thì ranh giới thửa đất được thể hiện là đường trung tâm của đường ranh tự nhiên đó và ghi rõ độ rộng của đường ranh tự nhiên trên bản đồ địa chính. Các trường hợp do thửa đất quá nhỏ không đủ chỗ để ghi số thứ tự, diện tích, loại đất thì được lập bản trích đo địa chính và thể hiện ở bảng ghi chú ngoài khung bản đồ. Trường hợp khu vực có ruộng bậc thang, thửa đất được xác định theo mục đích sử dụng đất của cùng một chủ sử dụng đất (không phân biệt theo các bờ chia cắt bên trong khu đất của một chủ sử dụng).

Trên bản đồ địa chính còn có các đối tượng chiếm đất nhưng không tạo thành thửa đất bao gồm đất xây dựng đường giao thông, đất xây dựng hệ thống thuỷ lợi theo tuyến, đất xây dựng các công trình khác theo tuyến, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và các đối tượng thuỷ văn khác theo tuyến, đất chưa sử dụng không có ranh giới thửa khép kín trên tờ bản đồ; ranh giới sử dụng đất xây dựng đường giao thông, xây dựng hệ thống thuỷ lợi theo tuyến, xây dựng các công trình theo tuyến khác được xác định theo chân mái đắp hoặc theo đỉnh mái đào của công trình, trường hợp đường giao thông, hệ thống thuỷ lợi theo tuyến, các công trình khác theo tuyến không có mái đắp hoặc mái đào thì xác định theo chỉ giới xây dựng công trình; ranh giới đất có mặt nước sông, ngòi, kênh, rạch, suối được xác định theo đường mép nước của mực nước trung bình; ranh giới đất chưa sử dụng không có ranh giới thửa khép kín trên tờ bản đồ được xác định bằng ranh giới giữa đất chưa sử dụng và các thửa đất đã xác định mục đích sử dụng.

2. Loại đất: là tên gọi đặc trưng cho mục đích sử dụng đất. Trên bản đồ địa chính loại đất được thể hiện bằng ký hiệu tương ứng với mục đích sử dụng đất được quy định tại phụ lục 8. Loại đất thể hiện trên bản đồ phải đúng hiện trạng sử dụng trong khi đo vẽ lập bản đồ địa chính và được chỉnh lại theo kết quả ®¨ng ký quyÒn sö dông ®Êt, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một thửa đất trên bản đồ địa chính chỉ thể hiện loại đất chính của thửa đất.

Trường hợp trong quá trình đo vẽ bản đồ, đăng ký quyền sử dụng đất hoặc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong một thửa đất có hai hay nhiều mục đích sử dụng chính mà chủ sử dụng đất và cơ quan quản lý đất đai chưa xác định được ranh giới đất sử dụng theo từng mục đích thì trong hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, trên bản đồ địa chính, trong hồ sơ địa chính, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi rõ diện tích đất cho từng mục đích sử dụng.

3. Mã thửa đất (MT): được xác định duy nhất đối với mỗi thửa đất, là một bộ gồm ba (03) số được đặt liên tiếp nhau có dấu chấm (.) ngăn cách (MT=MX.SB.ST); trong đó số thứ nhất là mã số đơn vị hành chính cấp xã (MX) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành bảng danh mục và mã số các đơn vị hành chính Việt Nam, số thứ hai (SB) là số hiệu và số thứ tự tờ bản đồ địa chính (có thửa đất) của đơn vị hành chính cấp xã (số thứ tự tờ bản đồ địa chính được đánh số liên tiếp từ số 01 trở đi theo nguyên tắc từ tỷ lệ nhỏ đến tỷ lệ lớn và từ trái sang phải, từ trên xuống dưới và không được trùng nhau trong một đơn vị hành chính; trường hợp trong một đơn vị hành chính việc đo vẽ, thành lập bản đồ địa chính được thực hiện trong các thời gian khác nhau thì số thứ tự tờ bản đồ địa chính của lần đo vẽ tiếp theo là số thứ tự tiếp theo của số thứ tự tờ bản đồ địa chính cuối cùng của lần đo vẽ trước đó), số thứ ba (ST) là số thứ tự thửa đất trên tờ bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn được đánh số liên tiếp từ số 01 trở đi theo nguyên tắc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới và không được trùng nhau trong một tờ bản đồ.

Khi có thửa đất mới (do lập thửa từ đất chưa sử dụng, lập thửa từ đất do Nhà nước thu hồi, lập thửa từ tách thửa hoặc hợp thửa…) thì số thứ tự thửa đất mới (ST) được xác định bằng số tự nhiên tiếp theo số tự nhiên lớn nhất đang sử dụng làm số thứ tự thửa đất của tờ bản đồ có thửa đất mới lập đó.

4. Diện tích thửa đất: được thể hiện theo đơn vị mét vuông (m2), được làm tròn số đến một (01) chữ số thập phân.

5. Bản đồ địa chính gốc: là bản đồ thể hiện hiện trạng sử dụng đất và thể hiện trọn và không trọn các thửa đất, các đối tượng chiếm đất nhưng không tạo thành thửa đất, các yếu tố quy hoạch đã được duyệt, các yếu tố địa lý có liên quan; lập theo khu vực trong phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính cấp xã, trong một phần hay cả đơn vị hành chính cấp huyện hoặc một số huyện trong phạm vi một tỉnh hoặc một thành phố trực thuộc Trung ương, được cơ quan thực hiện và cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh xác nhận. Bản đồ địa chính gốc là cơ sở để thành lập bản đồ địa chính theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã). Các nội dung đã được cập nhật trên bản đồ địa chính cấp xã phải được chuyển lên bản đồ địa chính gốc.

6. Bản đồ địa chính: là bản đồ thể hiện trọn các thửa đất và các đối tượng chiếm đất nhưng không tạo thành thửa đất, các yếu tố quy hoạch đã được duyệt, các yếu tố địa lý có liên quan; lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn, được cơ quan thực hiện, Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh xác nhận.

Ranh giới, diện tích, mục đích sử dụng (loại đất) của thửa đất thể hiện trên bản đồ địa chính được xác định theo hiện trạng sử dụng đất. Khi đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà ranh giới, diện tích, mục đích sử dụng đất có thay đổi thì phải chỉnh sửa bản đồ địa chính thống nhất với số liệu đăng ký quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các yếu tố nội dung khác của bản đồ địa chính thể hiện theo quy định của Quy phạm này.

7. Trích đo địa chính: là đo vẽ lập bản đồ địa chính của một khu đất hoặc thửa đất tại các khu vực chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng chưa đáp ứng một số yêu cầu trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

[...]
15
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ