Quyết định 07/2001/QĐ-UB ban hành kế hoạch triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện pháp lệnh Thủ đô Hà nội do Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 07/2001/QĐ-UB
Ngày ban hành 19/02/2001
Ngày có hiệu lực 19/02/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Hoàng Văn Nghiên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 19 tháng 2 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CÁC  VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, thường trực Ban soạn thảo Pháp lệnh.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI XÂY DỰNG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN PHÁP LỆNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 07/2001/QĐ-UB ngày 19 tháng  02 năm 2001 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội)

Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đã được Uỷ Ban thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28 tháng 12 năm 2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 03 tháng 02 năm 2001. Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội được ban hành vào thời điểm có ý nghĩa lịch sử  to lớn kỷ niệm 990 năm và tiến tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với Thủ đô, tạo ra khung pháp lý ổn định, thống nhất, góp phần tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, tập trung huy động mọi nguồn lực và đề cao trách nhiệm của nhân dân cả nước, của các cấp, các ngành trong việc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Để Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội đi vào cuộc sống, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành có kế hoạch triển khai một số công việc sau:

1.Các ngành, các cấp tổ chức rà soát những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung thực hiện Pháp lệnh trong lĩnh vực: công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, khoa học và  công nghệ, văn hoá -xã hội, quản lý đất đai, nhà cửa, giao thông công chính, môi trường, dân cư. Trên cơ sở kết quả của đợt rà soát này các ngành, các cấp đề xuất những vấn đề mới để bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới một số văn bản quy phạm pháp  luật có liên quan đến việc triển khai thực hiện Pháp lệnh.

2.Sở Tư pháp, Sở Văn hóa Thông tin, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế Đô thị phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân Thủ đô tìm hiểu Pháp lệnh và tự giác chấp hành các quy định khác của pháp luật có liên quan.

3.Phân công trách nhiệm:

3.1.Sở Tư  pháp Thành phố Hà Nội:

Căn cứ Quyết định số 27/1999/QĐ-UB ngày 26 tháng 4 năm 1999 của Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội thành lập ban soạn thảo Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội trong đó Sở Tư pháp thành phố Hà Nội là cơ quan thường trực của Ban soạn thảo. Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội giao Sở Tư pháp:

- Xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành pháp  lệnh để trình Chính phủ ban hành vào quý II năm 2001.

- Chủ động phối hợp với các ngành tổ chức rà soát những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội thực hiện Pháp lệnh và đề xuất xây dựng những văn bản mới để triển khai thực hiện Pháp lệnh.

- Trình Uỷ ban nhân dân Thành phố dự toán kinh phí cho việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

- Là đầu mối tổng hợp, kiểm tra tính pháp lý, tính hợp pháp, hợp hiến của các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc triển khai thực hiện pháp lệnh do các ngành soạn thảo trước khi trình Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành.

3.2.Danh mục các văn bản cần soạn thảo, phân công trách nhiệm, thời gian tiến hành.

 

Số TT

Tên văn bản soạn thảo

Cơ quan soạn thảo

Cơ quan phối hợp

Cơ quan ban hành

Thời gian hoàn thành

1

Quy chế quản lý dân cư trên đại bàn Thủ đô

Công an Thành phố Hà Nội

Văn phòng UBND, Ban TCCQ TP, Sở Tư pháp, Sở LĐ -TBXH

Trình HĐND Thành phố

6/2001

2

Quy chế ưu đãi và khuyến khích nhân tài phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô

Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội

Các Sở, Ban, ngành thành phố

Trình HĐND Thành phố

9/2001

3

Quy chế quản lý và khuyến khích đầu tư trên địa bàn Hà Nội

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Văn phòng UBND, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, Sở Tư  pháp

UBND Thành phố

6/2001

4

Quy chế bảo vệ và khai thác có hiệu quả tài nguyên, đất đai, sông, hồ trên địa bàn Hà Nội

Sở Địa chính -Nhà đất

Sở Xây dựng, VP Kiến trúc sư trưởng thành phố, Sở Tư pháp, Sở Công nghiệp

UBND Thành phố

9/2001

5

 Quy chế quản lý các loại quỹ nhà trên địa bàn Hà Nội

Sở Địa chính - Nhà đất

Sở Tư pháp

UBND Thành phố

9/2001

6

Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô

Sở Khoa học công nghệ và Môi trường

Sở Tư pháp

UBND Thành phố

6/2001

7

Quy chế quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị của Thủ đô

Sở Giao thông Công chính

Sở Tư pháp,

Sở Xây dựng

UBND Thành phố

6/2001

8

Quy chế quản lý xây dựng và trật tự đô thị

Sở Xây dựng

Sở Tư Pháp,

Sở Giao thông công chính

UBND Thành phố

6/2001

9

Quy chế ưu đãi và khuyến khích phát triển một số ngành kinh tế trọng điểm trên địa bàn Hà Nội

Viện nghiên cứu phát triển KT – XH Hà Nội

Sở công nghiệp, sở NN & PTNT, Sở Thương mại, Sở Tư pháp

UBND Thành phố

9/2001

3.3.Các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công nghiệp, Thương mại, Du lịch, Giáo dục Đào tạo, Văn hóa Thông tin, Y tế, Thể dục Thể thao, Khoa học công nghệ và Môi trường chủ động nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô trong từng lĩnh vực cụ thể; kiến nghị các giải pháp thực hiện để đẩy nhanh tốc độ xây dựng, phát triển Thủ đô phù hợp với chính sách, nhiệm vụ của ngành và các quy định pháp luật có liên quan.

[...]