Quyết định 05/2003/QĐ-BVHTT ban hành Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành

Số hiệu 05/2003/QĐ-BVHTT
Ngày ban hành 06/02/2003
Ngày có hiệu lực 21/02/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Văn hoá-Thông tin
Người ký Phạm Quang Nghị
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2003/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2003 


 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Căn cứ Điều 34 Luật Di sản văn hoá ban hành ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996;
Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá -Thông tin;
Căn cứ công văn số 2106/BXD-KTQH ngày 25 tháng 12 năm 2002 của Bộ Xây dựng thoả thuận Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc các Sở Văn hoá Thông tin và thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết dịnh này.

 


Nơi nhận:

-Thủ tướng Chính phủ và
các Phó Thủ tướng Chính phủ
-Ban Tư tưởng văn hoá Trung ương
-Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ
-UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW
-Các Sở VHTT
-Các Cục, Vụ, Thanh tra Bộ,
-Công báo Văn phòng Chính phủ
-Lưu VP, Cục BTBT

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN



 
Phạm Quang Nghị


 QUY CHẾ

BẢO QUẢN, TU BỔ VÀ PHỤC HỒI DI TÍCH LỊCH SỬ - VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05 / 2003/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích của hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích lịch sử-văn hoá, danh lam thắng cảnh

1. Bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi là di tích) trước những tác động xấu của môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội.

2. Bảo đảm giữ gìn tối đa các yếu tố nguyên gốc và các giá trị chân xác của di tích về các mặt: vị trí, cấu trúc, chất liệu, vật liệu, kỹ thuật truyền thống, chức năng, nội thất, ngoại thất, cảnh quan liên quan và các yếu tố khác của di tích nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích.

3. Bảo đảm sự hài hoà giữa di tích với môi trường cảnh quan xung quanh.

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh, phạm vi áp dụng

1. Quy chế này quy định về các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi có liên quan đến di tích đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định xếp hạng di tích và các di vật thuộc di tích đó.

2. Quy chế này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực có liên quan tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bảo tồn di tích là những hoạt động nhằm bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của di tích để sử dụng và phát huy giá trị của di tích đó;

2. Bảo quản di tích là hoạt động nhằm phòng ngừa và hạn chế những tác nhân hủy hoại di tích mà không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích;

3. Tu bổ di tích là hoạt động nhằm tu sửa, gia cố, tôn tạo di tích;

4. Gia cố, gia cường di tích là biện pháp xử lý các cấu kiện của di tích nhằm giữ ổn định về mặt cấu trúc và tăng cường khả năng chịu lực của các cấu kiện này;

5. Tôn tạo di tích là những hoạt động nhằm tăng cường khả năng sử dụng và phát huy giá trị di tích nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên vẹn, sự hài hoà của di tích và cảnh quan lịch sử - văn hoá của di tích;

[...]