Quyết định 04/2007/QĐ-UBND về Đề án tăng cường vai trò, năng lực của nông dân trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành

Số hiệu 04/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/01/2007
Ngày có hiệu lực 29/01/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Minh Tùng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc
----------------

Số: 04/2007/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 19 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ, NĂNG LỰC CỦA NÔNG DÂN TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 34/2006-HĐND ngày 08/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp lần thứ 8 về việc thông qua đề án tăng cường vai trò, năng lực của nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2007 - 2010 ;
Theo đề nghị của Chánh văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường vai trò, năng lực của nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Điều 3. Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, phối hợp với các Sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 4. Các ông (bà) Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
 - Văn phòng Chính phủ;
 - Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư Pháp;
 - Website Chính phủ;
 - Hội Nông dân Việt Nam;
 - Bộ Nông nghiệp và PTNT;
 - TT: TU, HĐND;
 - Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
 - Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể cấp tỉnh;
 - Chánh, Phó VP.UBND tỉnh;
 - UBND huyện, thị xã, thành phố.
 - Lưu: VT, P.VHXH, P.KT;

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




 Lê Minh Tùng

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ, NĂNG LỰC CỦA NÔNG DÂN TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2007 - 2010
( Ban hành kèm Quyết Định số: 04 /2007/QĐ-UBND ngày 19/01/2007 )

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm, lao động các ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn gắn với bảo vệ môi trường , tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp, xây dựng nông thôn công bằng, dân chủ, văn minh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.

Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nông dân và được nông dân hưởng ứng tích cực. Kết quả đạt được như sau:

Phần Thứ Nhất

ĐẶC ĐIỂM TÌNH TÌNH VÀ VAI TRÒ CỦA NÔNG DÂN GÓP PHẦN VÀO NHỮNG THÀNH TỰU CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN Ở AN GIANG NHỮNG NĂM QUA (2001-2005).

1. Sơ lược khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế và xã hội của tỉnh:

Là một tỉnh nông nghiệp thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 3.424 km2 và mật độ dân số 598 người/km2. Dân số của tỉnh là 2.193.661 người (theo thống kê tháng 4/2006), bao gồm 04 dân tộc chủ yếu là: Kinh (94,3%), Hoa (1,01%), Chăm (0,65%), Khơme (4,04%). Nông dân toàn tỉnh chiếm trên 70% là lực lượng lao động nông nghiệp, canh tác trên diện tích 340.000ha đất sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 8,53 triệu đồng/người. Sản lượng lương thực trên 3 triệu tấn/năm. Cơ cấu nông - lâm - ngư nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn (chủ yếu là cây lúa và con cá). Tốc động tăng trưởng GDP toàn tỉnh liên tục tăng, bình quân 5 năm (2001-2005) đạt 9,2%.

Trong công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của tỉnh Đảng bộ, nông dân An Giang đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết hợp tác cần cù sáng tạo, khắc phục khó khăn và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội - an ninh - quốc phòng. Đặc biệt những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá trong lĩnh vực khai thác, quản lý sử dụng đất đai (nhất là trong khu vực tứ giác Long Xuyên). Đất đai được đưa vào sử dụng rất hiệu quả, biến những vùng đất hoang vu nhiễm phèn nặng nay trở thành vùng đất thâm canh để phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống nông dân.

2. Những thành tựu và vai trò của nông dân góp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn tỉnh nhà:

Những thành tựu mà An Giang đạt được trong sự nghiệp đổi mới, được đánh dấu từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (10/1986) đã xác định đúng đắn vị trí và tầm quan trọng của nông nghiệp. Với những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn và sự nỗ lực hết mình của nông dân, đến nay, nông nghiệp tỉnh nhà đã phát triển mạnh mẽ theo hướng kinh tế hàng hoá và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Tổng diện tích gieo trồng hàng năm điều tăng và đến cuối năm 2005 đạt trên 573.000 ha, tăng 12,75% so với năm 2000; trong đó diện tích gieo trồng lúa đạt trên 529.000 ha, hoa màu các loại đạt 43.000 ha. Nâng hệ số sử dụng đất từ 1,98 lần (năm 2000) lên 2,33 lần (năm 2005) và đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh đạt giá trị sản xuất cao; điển hình như huyện Chợ Mới bình quân 1 ha đất canh tác đạt 68 triệu đồng/năm, xã Phú Thuận huyện Thoại Sơn (vùng 1vụ lúa - 1vụ tôm) đạt trên 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, nhiều vùng nông thôn trong tỉnh còn triệt để khai thác lợi thế mùa nước nổi để tạo thu nhập và thu nhập cao; riêng mùa nước nổi năm 2005 đạt giá trị sản xuất 1,68 ngàn tỷ đồng, chiếm 25% so giá trị sản xuất 2 vụ chính trong năm.

Sản lượng lương thực năm 2005 đạt 3,14 triệu tấn, tăng gần 32% so năm 2000, là một trong vài tỉnh có số lượng lương thực cao nhất nước. Sản lượng cá nuôi (chủ yếu là cá basa, cá tra) đạt trên 170 ngàn tấn, tăng 2 lần so với năm 2000, chiếm trên 50% sản lượng nuôi thủy sản vùng ĐBSCL.

Về lâm nghiệp: thực hiện chương trình 661/TTg, trong 5 năm (2001-2005) đã trồng mới 6,1 ngàn ha rừng tập trung, nâng tổng diện tích lâm nghiệp có rừng lên 13,9 ngàn ha, đạt độ che phủ rừng 3,7% (tăng 0,24% so năm 2000) và thực hiện trồng cây phân tán 11,5 ngàn ha, nâng tổng diện tích trồng cây phân tán toàn tỉnh đạt gần 36 ngàn ha. Hiện còn trên 4 ngàn ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, sẽ tiếp tục triển khai trồng rừng trong thời gian tới.

Hệ thống thủy lợi theo quy họach, đảm bảo tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác và thoát lũ ra biển tây. Ngoài ra đã hình thành 516 tiểu vùng đê bao kiểm soát lũ, với tổng diện 205 ngàn ha (93% so với tổng diện tích đất canh tác), trong đó có nhiều tiểu vùng đã thực hiện thủy lợi hóa đồng ruộng và vốn nông dân đóng góp trên 80%.

Giao thông nông thôn được nâng cao, mở rộng lộ đảm bảo vượt lũ. Đến nay hệ thống giao thông nông thôn cơ bản được hình thành với tổng chiều dài trên 3 ngàn km, tổng vốn đầu tư trên 497 tỷ đồng (trong đó vốn do nhân dân đóng góp là 60%).

[...]