Quyết định 03/2018/QĐ-UBND về quy định hành lang bảo vệ đối với tuyến đê cấp IV, cấp V và kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Số hiệu | 03/2018/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 26/01/2018 |
Ngày có hiệu lực | 06/02/2018 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Tĩnh |
Người ký | Đặng Ngọc Sơn |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 03/2018/QĐ-UBND |
Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 01 năm 2018 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH HÀNH LANG BẢO VỆ ĐỐI VỚI CÁC TUYẾN ĐÊ CẤP IV, CẤP V VÀ KÈ BẢO VỆ BỜ SÔNG, BỜ BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm ngày 22/6/2015;
Căn cứ Luật Đê điều ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;
Căn cứ Thông tư số 54/2013/TT-BNNPTNT ngày 17/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phân cấp đê và quy định tải trọng cho phép đối với xe cơ giới đi trên đê;
Thực hiện Quyết định số 1009/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phân loại phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 21/TTr-SNN ngày 22/01/2018; báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 16/BC-STP ngày 15/01/2018.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định hành lang bảo vệ đối với các tuyến đê cấp IV, cấp V (được phân cấp, phân loại tại Quyết định số 1009/QĐ-BNN-TCTL ngày 07/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phân loại, phân cấp đê trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh) và kè bảo vệ bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có các hoạt động liên quan đến đê điều trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khu dân cư là nơi tập hợp người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, bao gồm: Thôn, xóm, làng, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương.
2. Khu đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương.
3. Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia.
Điều 4. Hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê và cống qua đê
1. Hành lang bảo vệ đê (đối với tất cả các loại đê) ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5m (năm mét) về phía sông và phía đồng.
2. Hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác (ngoài khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch) được quy định như sau:
a) Đối với đê sông: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 15m (mười lăm mét) về phía đồng và phía sông.
b) Đối với đê cửa sông: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 15m (mười lăm mét) về phía đồng và 20m (hai mươi mét) về phía sông.
c) Đối với đê biển: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 15m (mười lăm mét) về phía đồng và 200m (hai trăm mét) về phía biển.
d) Đối với đê bối, đê bao và đê chuyên dùng: Hành lang bảo vệ đê được tính từ chân đê trở ra 05m (năm mét) về phía đồng và phía sông.
3. Hành lang bảo vệ đối với kè bảo vệ đê, cống qua đê thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 23 Luật Đê điều.