ỦY
BAN NHÂN DÂN
HUYỆN CẦN GIỜ
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******
|
Số:
03/2007/QĐ-UBND
|
Cần
Giờ, ngày 25 tháng 4 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO HUYỆN
CẦN GIỜ
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẦN GIỜ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 23/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2007 của Ủy ban nhân
dân thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ Vì người nghèo
thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cần Giờ tại Công văn số
24/MTTQ ngày 02 tháng 4 năm 2007 về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ
Vì người nghèo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt
động Quỹ Vì người nghèo huyện Cần Giờ.
Điều 2. Quyết định này có liệu lực sau 07 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện,
Trưởng Phòng Nội vụ, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Đoàn Văn Thanh
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG QUỸ VÌ NGƯỜI NGHÈO HUYỆN CẦN GIỜ
(Kèm theo Quyết
định số 03/2007/QĐ-UBND ngày 25/4/2007 của Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ)
Chương
1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích - Ý nghĩa
Quỹ Vì người nghèo huyện được thành lập nhằm mục
đích huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ chăm lo người nghèo và các xã, thị
trấn của huyện theo chuẩn mực của Nhà nước công bố từng thời kỳ và theo kế hoạch
hoạt động của Ban vận động Vì người nghèo của huyện và thành phố.
Điều 2. Quỹ Vì người nghèo được thành lập ở huyện và các xã, thị
trấn. Quỹ Vì người nghèo chịu sự quản lý trực tiếp của Ban vận động Vì người
nghèo huyện, xã, thị trấn.
Ban Quản lý Quỹ Vì người nghèo ở huyện, xã, thị
trấn chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc và Ban vận động Vì người nghèo cùng cấp về tổ chức quản lý và sử dụng
Quỹ.
Điều 3. Nguyên tắc hoạt động
của Quỹ
Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, theo
nguyên tắc tự tạo nguồn thu trên cơ sở vận động sự ủng hộ tự nguyện của các tổ
chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngân sách huyện cấp bằng 5% trên tổng số thu
từ nguồn vận động hàng năm của Quỹ để chi phí cho việc quản lý, phục vụ các hoạt
động của Quỹ.
Điều 4. Quỹ Vì người nghèo của huyện và các xã, thị trấn được sử dụng
con dấu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp và mở tài khoản ở ngân hàng để hoạt
động. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, xã, thị trấn là chủ tài khoản và
chịu trách nhiệm về hoạt động của quỹ.
Trụ sở của Quỹ
Vì người nghèo huyện đặt tại trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. Quỹ Vì người nghèo các xã, thị trấn đặt tại trụ sở
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, thị trấn.
Ủy ban nhân dân xã, thị trấn ban
hành quyết định thành lập Quỹ Vì người nghèo của cấp mình với thành phần tương
tự cấp huyện.
Chương
2:
NHIỆM VỤ
Điều 5. Quỹ Vì người
nghèo huyện Cần Giờ có nhiệm vụ
1. Cùng với Ban vận động Vì người nghèo, tổ chức
vận động và tiếp nhận các nguồn ủng hộ tự nguyện từ các đơn vị hành chính sự
nghiệp, cơ quan Đảng và đoàn thể, đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các tổ
chức, các hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước để giúp đỡ người nghèo, hộ
nghèo còn nhiều khó khăn trong cuộc sống về nhà ở, học hành, sức khỏe, điều kiện
làm ăn, phương tiện sinh hoạt tối thiểu và hỗ trợ các xã, thị trấn nghèo theo
chuẩn mực Nhà nước công bố từng thời kỳ.
2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động hàng
năm về kế hoạch thu chi, xác định quy mô và đối tượng hỗ trợ.
3. Tổ chức các hoạt động gây Quỹ đúng pháp luật.
4. Báo cáo kết quả hoạt động theo định kỳ tháng,
quý, năm với Ủy ban nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Ban vận
động Vì người nghèo, Ban Quản lý Quỹ cấp trên và công khai danh sách, mức đóng
góp tài trợ của các tổ chức, cá nhân đã đóng góp tài trợ cho Quỹ; thực hiện báo
cáo công khai các khoản thu, chi từ Quỹ theo đúng quy định của pháp luật.
5. Chịu sự quản lý Nhà nước về tài chính của
ngành tài chính.
6. Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan Nhà
nước theo đúng quy định của pháp luật.
Điều 6. Đối tượng vận động của
Quỹ
1. Tổ chức,
cá nhân có đóng góp về vật chất và tinh thần hoạt động cho Quỹ gồm:
- Các cá nhân, hộ gia đình, đơn vị hành chính sự
nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề
nghiệp.
- Các đơn vị sản xuất kinh doanh, dịch vụ trong
và ngoài nước.
- Các tổ chức phi Chính phủ (NGO).
Tùy tình hình thực tế, Ban vận động Vì người
nghèo huyện có phân công cụ thể đối tượng vận động cho các ban, ngành, đoàn thể
huyện, xã, thị trấn thực hiện theo kế hoạch hướng dẫn hàng năm.
2. Cá nhân, đơn vị có thể đóng góp về Ban Quản
lý Quỹ huyện hoặc ủng hộ trực tiếp cho đối tượng cần giúp đỡ thông qua Ban Quản
lý Quỹ huyện, xã, thị trấn theo sự hướng dẫn của Ban Quản lý Quỹ huyện.
3. Đơn vị hoặc cá nhân có đóng góp nhiều được
ghi vào sổ vàng của Quỹ và có thể được đề nghị khen thưởng, được mời tham dự
các buổi tổng kết và triển khai kế hoạch hoạt động hàng năm của Quỹ, đóng góp ý
kiến xây dựng hoặc chất vấn hoạt động của Quỹ và được mời đi trao tặng quà cho
cá nhân, đơn vị được giúp đỡ.
Điều 7. Đối tượng hỗ trợ của
Quỹ gồm
- Người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ em
mồ côi, người tàn tật hoặc bị bệnh nan y.
- Trẻ em nghèo có nguy cơ bỏ học.
- Chi hỗ trợ trường hợp đột xuất.
- Các xã nghèo do Thành phố công bố từng thời kỳ.
- Hộ gia đình nghèo còn nhiều khó khăn trong cuộc
sống.
- Trợ giúp chữa bệnh khi ốm đau nằm viện hoặc điều
trị dài ngày.
- Trợ giúp cứu đói người nghèo khi gặp thiên
tai, hỏa hoạn, tai nạn, cơ nhỡ.
Mức chi cụ thể cho các nội dung nêu trên do Trưởng
Ban vận động Quỹ từng cấp quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của các thành
viên Ban vận động Quỹ, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của Quỹ.
Đối với các dự án được tài trợ, nội dung và mức chi thực hiện theo thỏa thuận
hoặc văn bản ký kết giữa Ban Quản lý Quỹ và nhà tài trợ.
Điều 8. Phương thức và định
mức hỗ trợ của Quỹ
1. Phương thức hỗ trợ của Quỹ là hỗ trợ thường
xuyên, có thời hạn và đột xuất.
2. Trong chương trình hàng năm, Ban Quản lý Quỹ
quy định cụ thể về tiêu chuẩn, định mức giúp đỡ cho các đối tượng theo khả năng
tài chính của Quỹ.
3. Đối với việc hỗ trợ thường xuyên và có thời hạn
thì Ban Quản lý Quỹ huyện, xã, thị trấn xem xét theo quy trình hướng dẫn bình
chọn đối tượng của Ban Quản lý Quỹ thành phố.
Đối vối trường hợp đột xuất thì
Ban vận động Vì người nghèo huyện ủy quyền cho Thường trực Ban Quản lý Quỹ xem
xét, quyết định mức trợ cấp cho từng trường hợp cụ thể để giúp đỡ kịp thời. Mức
trợ cấp khó khăn đột xuất được chi từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng/lần/trường
hợp.
Chương
3:
TỔ CHỨC - QUẢN LÝ - ĐIỀU
HÀNH
Điều 9. Ban vận động Vì người nghèo huyện, xã, thị trấn chỉ đạo, điều
hành trực tiếp Quỹ Vì người nghèo ở cấp mình và có trách nhiệm:
- Xem xét, quyết định các công việc do Trưởng
Ban Quản lý Quỹ trình về kế hoạch thu, chi hàng năm; xác định quy mô, đối tượng
hỗ trợ.
- Phê duyệt báo cáo hoạt động tài chính của Quỹ
theo định kỳ.
Điều 10. Ban Quản lý Quỹ
1. Quỹ có Ban Quản lý Quỹ để điều hành, quản lý
hoạt động của Quỹ. Ban Quản lý Quỹ có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý các nguồn
đóng góp ủng hộ và hỗ trợ cho các đối tượng được quy định tại Điều 7 của Quy chế
này.
2. Ban Quản lý Quỹ có bộ phận Thường trực để quản
lý và điều hành công việc hàng ngày của Quỹ gồm có:
- Trưởng ban: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam huyện kiêm Phó Trưởng Ban vận động Vì người nghèo huyện.
- Phó ban Thường trực: Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc huyện phụ trách công tác xã hội, thành viên Ban vận động Vì người
nghèo huyện.
- Trưởng và Phó Ban Quản lý Quỹ do Chủ tịch Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện bổ nhiệm.
3. Bộ phận giúp việc của Ban Quản lý Quỹ mỗi cấp
gồm một số cán bộ kiêm nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Lao động Thương binh
- Xã hội, Tài chính - Kế hoạch và Ban chỉ đạo Xóa đói giảm nghèo cùng cấp.
4. Các xã, thị trấn thành lập Ban Quản lý Quỹ
theo cơ cấu thành phần như Quỹ vì người nghèo huyện.
Điều 11. Trưởng Ban Quản lý Quỹ cấp trên trực tiếp có quyền điều tiết
tiền huy động được từ cấp dưới có nguồn thu cao theo kế hoạch, sau khi trao đổi
thống nhất với cấp bị điều tiết, việc điều tiết này nhằm mục đích hỗ trợ cho
các đơn vị xã, thị trấn có nhiều khó khăn, có nguồn thu thấp.
Điều 12. Công tác kế toán
và quản lý tài chính
1. Quỹ phải tổ chức và thực hiện công tác kế
toán - thống kê theo đúng quy định của pháp luật về kế toán thống kê, chấp hành
các chế độ, quy định về hóa đơn, chứng từ kế toán theo quy định của Bộ Tài
chính.
Cho phép quyết toán kinh phí xây dựng nhà tình
nghĩa, nhà tình thương như: Mua lại vật tư đã qua sử dụng, không phải sử dụng
hóa đơn tài chính theo quy định, việc quyết toán được căn cứ trên bản kê mua vật
tư, có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn và ký nhận của chủ hộ
nhà.
2. Mở sổ theo dõi và thống kê đầy đủ danh sách,
địa chỉ các tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho Quỹ và danh sách những đối
tượng được tài trợ.
3. Lập và gửi đầy đủ, đúng hạn các báo cáo tài
chính và quyết toán thu, chi hàng năm cho Ban Quản lý Quỹ cấp trên trực tiếp và
cơ quan tài chính cùng cấp.
4. Quỹ chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ
và chịu sự thanh tra, kiểm tra về thu, chi, quản lý sử dụng Quỹ của Ban Quản lý
sử dụng quỹ cấp trên và của cơ quan tài chính cùng cấp.
Điều 13.
Kế toán và thủ quỹ của Quỹ do kế toán và thủ quỹ của Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc huyện kiêm nhiệm. Riêng các xã, thị trấn có thể cử người
đang công tác tại xã, thị trấn kiêm nhiệm để giúp Ban Quản lý Quỹ tổ chức thực
hiện công tác kế toán - thống kê của Quỹ theo quy định của pháp luật.
Chương
4:
TÀI CHÍNH QUỸ
Điều 14. Nguồn thu của Quỹ
gồm
- Đóng góp của cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức,
đơn vị trong và ngoài nước.
- Lãi suất từ tiền gửi của Quỹ tại Ngân hàng.
- Ngân sách
Nhà nước cấp kinh phí bằng 5% trên tổng số thu từ nguồn vận động thu hàng năm của
Quỹ ở mỗi cấp để chi phí cho việc quản lý, phục vụ các hoạt động của Quỹ (khoản
kinh phí này được cân đối trong dự toán hàng năm của từng cấp ngân sách).
- Thu từ các hoạt động từ thiện, gây Quỹ theo
quy định của pháp luật như: Tổ chức văn nghệ, đi bộ, lạc quyên, bán đấu giá sản
phẩm.
- Nhận tài trợ của các tổ chức phi Chính phủ
trong và ngoài nước.
Điều 15. Các khoản chi của
Quỹ gồm
1. Chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Điều 7 của
Quy chế này.
2. Chi cho hoạt động quản lý Quỹ:
- Chi cho công tác tuyên truyền vận động gây Quỹ;
công tác kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động, khen thưởng.
- Chi lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho
cán bộ hợp đồng quỹ (nếu có).
- Chi thanh toán dịch vụ công cộng.
- Chi văn phòng phẩm.
- Các khoản chi nghiệp vụ khác.
Các khoản chi cho công tác quản lý Quỹ cấp nào
thì cấp đó chi từ nguồn kinh phí do ngân sách cấp nêu tại Điều 14 Quy chế này
và đảm bảo không vượt quá 5%.
Quỹ vận động được phải tổ chức
chi chăm lo thường xuyên, kịp thời; không để tồn quỹ vượt quá 30% trên tổng số
Quỹ vận động được trong từng quý.
Chương
5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Quỹ ngưng hoạt động khi có quyết định của Ủy ban nhân dân
huyện. Trường hợp Quỹ ngưng hoạt động do kết thúc nhiệm vụ hoặc sáp nhập, hợp
nhất thì Ban Quản lý Quỹ có nhiệm vụ kiểm kê đánh giá tiền và tài sản của Quỹ;
Tổng kết hoạt động của Quỹ, cân đối thu, chi báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem
xét quyết định.
Điều 17.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh cần sửa
đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và hoạt động Quỹ Vì người nghèo huyện, Ban Quản lý
Quỹ có trách nhiệm báo cáo Ban vận động Vì người nghèo huyện đề xuất với Ủy ban
Mặt trận Tổ quốc huyện đề nghị Ủy ban nhân dân huyện xem xét, quyết định./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Đoàn Văn Thanh
|