Quyết định 02/2011/QĐ-UBND quy định mức hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn và ven đô trên địa bàn tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành

Số hiệu 02/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/03/2011
Ngày có hiệu lực 12/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Gia Lai
Người ký Phạm Thế Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Giao thông - Vận tải

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 02/2011/QĐ-UBND

Pleiku, ngày 02 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ KINH PHÍ LÀM ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN VÀ GIAO THÔNG VEN ĐÔ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2001/NQ-HĐ ngày 19 tháng 01 năm 2001 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII kỳ họp thứ 3 (từ ngày 09/01 đến ngày 11/01/2001) về tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2000 và phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch năm 2001;
Thực hiện Văn bản số 04/TTHĐ-CTHĐ ngày 14/01/2011 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thoả thuận nâng mức hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn, giao thông ven đô trên địa bàn tỉnh;
Xét Hồ sơ thiết kế định hình đường giao thông nông thôn tại Quyết định số 24/QĐ-PD ngày 18/03/2004 và Công văn số 944/GTVT-QLKCHT ngày 21/12/2010 của Giám đốc Sở Giao thông vận tải,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ kinh phí thuộc ngân sách tỉnh từ nguồn vốn vay hàng năm của Chính phủ để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông ven đô như sau:

1. Khái niệm về đường giao thông nông thôn, giao thông ven đô (gọi tắt là GTNT): Đường giao thông nông thôn bao gồm đường liên thôn, liên buôn, làng, đường nội bộ các thôn, buôn làng, các đường hẻm thuộc các tổ dân phố ở thị trấn, thị xã, thành phố.

Đối với nguồn vốn này, tỉnh chỉ dành để hỗ trợ cho các loại mặt đường GTNT có chiều rộng mặt đường 3m. Với loại mặt đường có chiều rộng nhỏ hơn 3m thì do địa phương tự bố trí vốn.

2. Quy mô kết cấu áo đường:

- Chỉ triển khai thi công 2 loại mặt đường: Mặt đường láng nhựa và mặt đường bê tông xi măng đảm bảo tải trọng thiết kế H8 (cho phép xe có tổng trọng tải nhỏ hơn 10 tấn lưu thông).

- Kết cấu mặt đường: Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của các tuyến đường để lựa chọn kết cấu mặt đường cho phù hợp. Sử dụng Hồ sơ thiết kế định hình đường GTNT đã được Giám đốc Sở Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-PD ngày 18/03/2004.

3. Phương thức và mức hỗ trợ:

Trên địa bàn toàn tỉnh, hỗ trợ để làm mặt đường GTNT theo một mức thống nhất như sau:

a) Mặt đường bê tông xi măng (rộng 3m, dài 1km): Hỗ trợ 115 tấn xi măng và 100 triệu đồng tiền mặt.

b) Mặt đường đá dăm láng nhựa (rộng 3m, dài 1km): Hỗ trợ 12 tấn nhựa đường và 100 triệu đồng tiền mặt (Nếu chưa có đơn vị cung ứng nhựa đường của tỉnh thì tuỳ theo giá từng thời điểm quy ra tiền mặt để hỗ trợ).

Tùy theo chiều dài của tuyến đường để quy đổi ra mức hỗ trợ.

c) Ngoài khoản hỗ trợ do tỉnh cấp, các huyện, thị xã, thành phố được phép huy động nguồn đóng góp trong nhân dân (không đóng góp bằng tiền), nhân dân thôn, bản, làng, tổ dân phố hoặc phường, xã đứng ra tổ chức thi công có sự giám sát của Ban đại diện nhân dân. Ngoài ra được tổ chức vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức khác đứng chân trên địa bàn, các lực lượng quân đội để tham gia làm đường GTNT bằng nhiều hình thức đóng góp như: Tiền, ngày công lao động, xe máy thiết bị thi công…

d) Về cấp kinh phí và vật tư hỗ trợ:

Mức hỗ trợ xi măng và nhựa đường được tính tại thời điểm công bố giá của Liên Sở. Sở Tài chính sẽ thông báo vốn về cân đối ngân sách địa phương để các huyện, thị xã thành phố điều hành ngân sách thực hiện. Tiền hỗ trợ được chuyển về huyện, thị xã, thành phố.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

- UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương (thôn, làng, tổ dân phố…) và khả năng nguồn vốn được tỉnh hỗ trợ lập kế hoạch xây dựng và phát triển GTNT hàng năm, đăng ký với Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng tổng hợp kế hoạch của từng huyện, thị xã, thành phố trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Sau khi kế hoạch được phê duyệt, Sở Tài chính chuyển kinh phí hỗ trợ về từng huyện, thị xã, thành phố.

- Sở Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng cử cán bộ thuộc Sở để thành lập các đoàn công tác để đi kiểm tra, giám sát công tác triển khai xây dựng và chất lượng các công trình GTNT. UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức Hội đồng nghiệm thu các công trình trên địa bàn của huyện, thị xã, thành phố theo các tiêu chí đã quy định.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng tháng báo cáo tiến độ thực hiện về các Sở: Giao thông vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng để giám sát, theo dõi.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này thay thế Quyết định số 52/2004/QĐ-UB ngày 21/04/2004 của UBND tỉnh và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ./.

 

[...]