Quyết định 02/1999/QĐ-BNN-PTLN ban hảnh Quy chế khai thác gỗ, lâm sản do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp ban hành

Số hiệu 02/1999/QĐ-BNN-PTLN
Ngày ban hành 05/01/1999
Ngày có hiệu lực 20/01/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Văn Đẳng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

Số: 02/1999/QĐ-BNN-PTLN

 

Hà Nội, ngày 05 Tháng 01 năm 1999

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ KHAI THÁC GỖ, LÂM SẢN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12/8/1991;
Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01/11/1995 của Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ chỉ thị 286/TTg ngày 2/5/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ quyết định 245/TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Phát triển Lâm nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế về khai thác gỗ, lâm sản".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Viện, Trường có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Giám đốc Tổng Công ty, Công ty, Doanh nghiệp có hoạt động khai thác gỗ, lâm sản chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Đẳng 

 

QUY CHẾ

KHAI THÁC GỖ, LÂM SẢN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/1999/QĐ-BNN/PTLN ngày 05/01/1999 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Rừng là tài nguyên quý giá của đất nước.Việc khai thác rừng phải bảo đảm mục tiêu giữ vững và phát triển vốn rừng hiện có. Mọi hoạt động làm suy giảm chất lượng rừng, số lượng rừng đều bị nghiêm cấm.

Điều 2. Quy chế này quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác gỗ, lâm sản ở rừng tự nhiên, rừng trồng thuộc các khu rừng sản xuất và rừng phòng hộ; tận thu gỗ, tận dụng gỗ, lâm sản trên các loại đất lâm nghiệp và đất khác. Mọi đối tượng thuộc các khu rừng đặc dụng không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chế này.

Điều 3. Rừng đưa vào khai thác phải theo đúng quy định tại điều 37, 38, 39 của Luật bảo vệ và phát triển rừng. Việc khai thác tỉa thưa, tận dụng gỗ, lâm sản phải tuân thủ theo các quy trình, quy phạm kỹ thuật, phương án điều chế rừng hoặc luận chứng kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 4. Việc khai thác gỗ, lâm sản chỉ được tiến hành đối với các khu rừng đã có chủ được pháp luật thừa nhận, bao gồm:

Rừng và đất rừng được nhà nước giao cho các doanh nghiệp các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (gọi chung là chủ rừng) để gây trồng, quản lý, bảo vệ và sản xuất kinh doanh.

Chủ rừng phải thực hiện những nghĩa vụ và trách nhiệm quy định ở điều 40, điều 41 của luật bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện chế độ báo cáo cho các cơ quan quản lý nhà nước theo quy định thống nhất trên toàn quốc của quy chế này.

Đối với những khu rừng chưa có chủ, do chính quyền địa phương sở tại quản lý không nằm trong đối tượng khai thác gỗ, chỉ được phép tận dụng cây khô chết để sử dụng và khai thác lâm sản ngoài gỗ.

Điều 5. Các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện khai thác gỗ, lâm sản theo quy định của quy chế này.

Chương 2

KHAI THÁC GỖ, TRE NỨA, LÂM SẢN TRONG RỪNG SẢN XUẤT, RỪNG PHÒNG HỘ ÍT XUNG YẾU

Mục 1.KHAI THÁC CHÍNH GỖ RỪNG TỰ NHIÊN (GỌI TẮT LÀ KHAI THÁC GỖ RỪNG TỰ NHIÊN)

Điều 6. Đối tượng rừng khai thác:

1. Rừng gỗ tự nhiên thuần loại hoặc hỗn loại khác tuổi chưa qua khai thác hoặc đã qua khai thác nhưng đã được nuôi dưỡng đủ thời gian quy định của một luân kỳ khai thác và có trữ lượng đạt tiêu chuẩn sau:

a) Đối với rừng lá rộng thường xanh và nửa rụng lá, có trữ lượng:

Trên 90 m3/ha đối với các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra.

[...]