QUYẾT ĐỊNH TẠM THỜI
VỀ TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH,
PHÊ DUYỆT, NGHIỆM THU, QUYẾT TOÁN VÀ TỔNG KẾT DỰ ÁN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH KỸ
THUẬT - KINH TẾ VỀ CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/QĐ-CNVL ngày 29 tháng 12 năm 2003 của Bộ
trưởng Bộ Công nghiệp - Chủ nhiệm chương trình kỹ thuật - kinh tế về công nghệ vật
liệu)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chương trình kỹ thuật - kinh tế về
công nghệ vật liệu (sau đây gọi tắt là Chương trình) là một hệ thống đồng bộ các
hoạt động khoa học - công nghệ - sản xuất, các chính sách và biện pháp đầu tư,
trong đó lấy công nghệ làm động lực phát triển nhằm đặt được các mục tiêu kinh
tế xác định để phát triển khoa học Việt Nam vật liệu ở Việt Nam.
Chương trình phải tạo ra được năng lực công nghệ
đủ mạnh để đảm bảo tính cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực hoặc công nghệ và làm
nòng cốt cho sự nghiệp công nghệ hoá, hiện đại hoá đất nước.
Điều 2. Chương trình bào gồm các dự án kỹ
thuật - kinh tế về Công nghệ việt liệu nhằm đạt được các mục tiêu của từng giai
đoạn và mục tiêu tổng thể của Chương trình. Đối tượng quản lý là mục tiêu Chương
trình, kế hoạch đầu tư được thực hiện theo dự án.
Dự án của Chương trình là tập hợp các hoạt động để
tiến hành một công việc nhất định nhằm đạt được một hay nhiều mục tiêu cụ thể
đã định rõ trong Chương trình với một khoản ngân sách Nhà nước hỗ trợ và một
thời gian thực hiện xác định.
Điều 3. Đối tượng tham gia Chương trình là
các doanh nghiệp (chủ đầu tư) có yêu cầu phát triển khoa học công nghệ vật liệu
tạo ra sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và hướng
tới xuất khẩu.
Điều 4. Điều kiện dự án tham gia Chương
trình
1. Dự án có mục tiêu (bao gồm loại sản phẩm, quy
mô sản phẩm và công nghệ lựa chọn) phù hợp với mục tiêu của Chương trình.
Dự án sản xuất những sản phẩm chủ lực của nền kinh
tế, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; các sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ lớn, có sức cạnh
tranh với sản phẩm nước ngoài trên thị trường nội địa; các sản phẩm sử dụng
nguyên liệu trong nước.
Dự án có sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới hoặc
những kỹ thuật cao tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.
2. Dự án phải gắn kết với mục tiêu phát triển sản
xuất của doanh nghiệp và có mục tiêu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội của các Bộ, ngành, địa phương và Chiến lượng phát triển kinh tế - xã
hội của đất nước.
3. Dự án phải được các Bộ, ngành, địa phương đưa
vào kế hoạch hàng năm trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Nhà nước phê duyệt.
Chương II
TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN THAM GIA CHƯƠNG TRÌNH
KỸ THUẬT - KINH TẾ VỀ CÔNG NGHỆ VẬT LIỆU
Điều 5. Đăng ký dự án tham gia Chương
trình
Cơ quan quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành, địa phương)
có công văn kèm theo dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi) gửi cho Ban Chủ nhiệm
Chương trình Kỹ thuật - Kinh tế và Công nghệ vật liệu (sau đây gọi tắt là Ban
Chủ nhiệm Chương trình để đăng ký dự án tham gia Chương trình.
Điều 6. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc
lập dự án tham gia Chương trình
1. Lập dự án phải theo đúng các quy định hiện hành
trong Quy chế l đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP
ngày 08 tháng 7 năm 1999 (sau đây gọi là nd 52/1999/NĐ-CP); Nghị định số
12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 (sau đây gọi là Nghị định 12/2000/NĐ-CP)
và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2003 (sau đây gọi là Nghị
định 07/2003/NĐ-CP) của Chính phủ.
2. Các hồ sơ, biểu mẫu tổng dự toán của dự án phải
được tính toán, thẩm định theo Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17 tháng 7 năm
2000 của Bộ Xây dựng (sau đây gọi là Thông tư số 09/2000/TT-BXD). Riêng phần vốn
hỗ trợ của Chương trình là nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vì vậy chủ đầu tư phải
lập dự toán các nội dung, hạng mục xin Chương trình hỗ trợ theo mục lục ngân
sách Nhà nước (nhóm chi đầu tư phát triển).
3. Chủ đầu tư phải xác định vốn đầu tư để thực hiện
dự án chủ yếu là vốn của doanh nghiệp, vốn của Chương trình là vốn hỗ trợ.
4. Trong tổng mức vốn đầu tư cho dự án, chủ đầu tư
cần xác định rõ các nguồn vốn, bao gồm vốn ngân sách (vốn hỗ trợ từ Chương trình,
vốn xây dựng cơ bản, vốn sự nghiệp, vốn vay và viện trợ nước ngoài của Chính
phủ), vốn tín dụng trong nước, ngoài nước và vốn tự có của các đơn vị tham gia
thực hiện dự án.
5. Về nội dung chuyển giao công nghệ, hợp đồng chuyển
giao công nghệ và chi phí chuyển giao công nghệ chủ đầu tư phải thực hiện theo
quy định của Nghị định số 45/1998/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ
quy định chi tiết về chuyển giao công nghệ (sau đây gọi là Nghị định 45/1998/NĐ-CP)
và Thông tư số 1254/1999/TT-BKHCNMT ngày 12 tháng 7 năm 1999 của Bộ Khoa học,
Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) hướng dẫn thực hiện
Nghị định số 45/1998/NĐ-CP.
Điều 7. Trách nhiệm của cơ quan quản lý chủ
đầu tư (Bộ, ngành, địa phương) trong việc thẩm định, phê duyệt dự án tham gia
Chương trình.
1. Cơ quan quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành, địa phương)
thực hiện thẩm định và phê duyệt quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật
và tổng dự toán dự án khả thi tham gia Chương trình, theo các quy định trong
Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP;
Nghị định số 12/2000/NĐ-CP, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ, thông tư
số 09/2000/TT-BXD và Thông tư số 04/2003/TT-BKH ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư; sửa đổi, bổ
sung một số điểm về Hồ sơ thẩm định dự án, Báo cáo đầu tư và Tổng mức đầu tư.
2. Trước khi phê duyệt quyết định đầu tư cơ quan
quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành, địa phương) cần phải lấy ý kiến chính thức của các
cơ quan có thẩm quyền là các Bộ quản lý nhà nước, Bộ Công nghiệp (Bộ quản lý
Chương trình) và Ban Chủ nhiệm Chương trình về việc dự án tham gia Chương trình
và mức vốn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.
Điều 8. Trách nhiệm của Ban chủ nhiệm Chương
trình trong việc thẩm định, phê duyệt dự án tham gia Chương trình
Trước khi xét duyệt dự án đưa vào kế hoạch trình
Nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước, Ban Chủ nhiệm Chương trình khẳng định làm
rõ những nội dung chính của dự án như sau:
1. Sự phù hợp giữa mục tiêu dự án (bao gồm loại sản
phẩm, quy mô sản phẩm và công nghệ lựa chọn) và mục tiêu của Chương trình.
2. Tính cấp thiết phải triển khai dự án.
3. Tính khả thi của dự án về:
a. Công nghệ.
b. Biện pháp tổ chức thực hiện.
c. Khả năng đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm bằng
công nghệ mà dự án đã lựa chọn.
4. Nội dung của dự án được Chương trình hỗ trợ và
tổng mức vốn hỗ trợ (nếu mục tiêu của dự án phù hợp với mục tiêu của Chương
trình).
Điều 9. Các nội dung của dự án được Chương
trình hỗ trợ
1. Chuyển giao công nghệ có kèm theo đào tạo gồm
có: chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp (nếu có) theo quy định của pháp luật về
sở hữu công nghiệp; cung cấp bí quyết công nghệ; cung cấp tài liệu kỹ thuật; đào
tạo; thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật và tư vấn quản lý kinh
doanh.
Nội dung này được Chương trình xét duyệt cụ thể
như sau:
a. Về cấp li xăng các đối tượng sở hữu công nghiệp
(nếu có) thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp.
Về cung cấp bí quyết công nghệ, cần nêu rõ và kết
quả cụ thể của việc áp dụng bí quyết công nghệ. Bí quyết công nghệ là những kinh
nghiệm, kiến thức, thống tin kỹ thuật quan trọng, mang tính chất bí mật được
tính luỹ, khám phá trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, có khả
năng tạo ra những dịch vụ, sản phẩm có chất lượng cao, đem lại hiệu quả kinh tế
lớn, có khả năng tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
b. Về cung cấp tài liệu kỹ thuật. Tài liệu kỹ thuật
là các thiết kế, quy trình, công thức, các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng,
bảng, biểu, chỉ dẫn, hướng dẫn, bản vẽ, phần mềm máy tính, thể hiện nội dung
công nghệ được chuyển gio.
c. Về đào tạo. Việc đào tạo phải nhằm giúp cho Bên
nhận chuyển giao nắm vững và làm chủ công nghệ trong một thời hạn quy định.
Trong Chương trình đào tạo, dự án cần phải nêu cụ
thể về số lượng công nhân, cán bộ kỹ thuật, các ngành nghề, nội dung được đào
tạo, thời hạn và nơi đào tạo. Kết thúc Chương trình đào tạo, Bên chuyển giao
phải kiểm tra chất lượng đào tạo và cấp cho mỗi học viên một Chứng chỉ hoàn
thành Chương trình đào tạo.
d. Về các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật và tư vấn
quản lý kinh doanh, trong đó có lựa chọn công nghệ, đổi mới công nghệ, nghiên
cứu, phân tích, đánh giá, tư vấn đề quản lý công nghệ, về quản lý sản xuất kinh
doanh, thực hiện các dịch vụ về thu thập, xử lý và cung cấp thông tin về công
nghệ, tài nguyên môi trường.
2. Thiết bị đo kiểm chất lượng sản phẩm ở khâu quan
trọng (phải có danh mục, đơn giá, mã số, nước sản xuất).
3. Chi phí sản xuất lô số 0 (hỗ trợ phần không thu
hồi được).
Điều 10. Về tổng mức vốn Chương trình đề nghị
ngân sách nhà nước hỗ trợ cho dự án.
1. Khi xét duyệt hỗ trợ chi phí chuyển giao công
nghệ, Chương trình căn cứ vào các yếu tố sau:
a. Tính tiên tiến, tính mới của công nghệ.
b. Nội dung của công nghệ, tầm quan trọng của công
nghệ đối với toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Bên nhận công nghệ.
c. Tính độc quyền của công nghệ, phạm vi quyền của
Bên nhận chuyển giao đối với công nghệ được chuyển giao (độc quyền hay không,
có được chuyển giao cho Bên thứ ba hay không).
d. Chất lượng sản phẩm, tỷ lệ sản phẩm được xuất
khẩu.
đ. Lợi nhuận ròng của Bên nhận chuyển giao do áp
dụng công nghệ trong thời hạn thực hiện Hợp đồng chuyển giao công nghệ.
e. Hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, xã hội đem lại do
áp dụng công nghệ, khả năng mở rộng việc áp dụng công nghệ cho các cơ sở sản xuất
kinh doanh khác trong nước, khả năng đáp ứng các mục tiêu phát triển đất nước,
tạo công ăn việc làm, thúc đẩy xuất khẩu hoặc thúc đẩy sự phát triển của ngành
khác.
2. Về tổng mức vốn hỗ trợ từ Chương trình sau khi
xem xét dự án theo nội dung của Điều 6, Điều 7 và Điều 9 của Quy định này, Ban
chủ nhiệm Chương trình có văn bản gửi cơ quan quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành địa
phương) để làm căn cứ giám sát, đánh giá và cấp vốn.
Nội dung văn bản này ghi ý kiến của Ban Chủ nhiệm
Chương trình về việc khẳng định nội dung được hỗ trợ và tổng mức vốn hỗ trợ cho
dự án.
Điều 11. Phương thức xét duyệt dự án tham
gia Chương trình
1. Để có cơ sở khẳng định khả thi của dự án thì mức
vốn hỗ trợ từ Chương trình được nêu trong các nội dung của Điều 6, Điều 7, Điều
8, Điều 9 và Điều 10 của Quy định này, Ban Chủ nhiệm Chương trình chủ trì tổ
chức họp thẩm định dự án.
a. Thành phần dự họp thẩm định dự án gồm có: Hội
đồng thẩm định dự án và đại diện Bộ Công nghiệp (Bộ quản lý Chương trình); các bộ
quản lý nhà nước có liên quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Khoa học và Công nghệ;
Bộ Tài chính; Các đại biểu là các chuyên gia, các nhà kho học, các nhà quản lý
và các doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất sản phẩm của dự án.
b. Các chi phí cho họp thẩm định dự án do chủ đầu
tư chi trả theo chế độ hiện hành.
2. Ban Chủ nhiệm Chương trình sẽ căn cứ vào kết quả
cuộc họp thẩm định để có quyết định phê duyệt dự án tham gia Chương trình cũng
như mức kinh phí hỗ trợ cho dự án.
Điều 12. Tổng hợp kế hoạch vốn đề nghị nhà
nước hỗ trợ
Các dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi) được Ban Chủ
nhiệm Chương trình và các Bộ, địa phương phê duyệt đầu tư sẽ được Ban Chủ nhiệm
Chương trình tổng hợp vào kế hoạch gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính;
Khoa học và Công nghệ; Công nghiệp (Bộ quản lý Chương trình) trình Chính phủ
xem xét quyết định hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho dự án.
a. Hồ sơ dự án được Ban chủ nhiệm Chương trình tổng
hợp vào kế hoạch phải có đầy đủ các văn bản như sau:
- Quyết định phê duyệt đầu tư dự án của cấp có thẩm
quyền kèm theo dự án 9báo cáo nghiên cứu khả thi).
- Quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng
dự toán dự án của cấp có thẩm quyền.
- Tổng dự toán phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ
và dự toán chi tiết hàng năm các nội dung được hỗ trợ theo Mục lục ngân sách nhà
nước.
b. Số lượng hồ sơ dự án: 06 bộ.
c. Nơi nhận hồ sơ: Bộ Công nghiệp (Bộ quản lý Chương
trình), Ban Chủ nhiệm Chương trình, Văn phòng Chính phủ và các Bộ: Kế hoạch và
đầu tư, tài chính, Khoa học và Công nghệ.
d. Thời gian nộp hồ sơ: chậm nhất là ngày 30
tháng 8 hàng năm.
Chương III
NGHIỆM THU, QUYẾT TOÁN VÀ TỔNG KÉT DỰ ÁN
Điều 13. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong
việc nghiệm thu, quyết toán và tổng kết dự án.
Theo các quy định hiện hành về đầu tư xây dựng, chủ
đầu tư có trách nhiệm chủ yếu thực hiện việc nghiệm thu, quyết toán và tổng kết
dự án.
1. Chủ đầu tư thực hiện nội dung nghiệm thu, quyết
toán và tổng kết dự án phải tuân thủ theo các quy định tại các Nghị định số
52/1999/NĐ-CP, 12/2000/NĐ-CP và 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy
chế Quản lý đầu tư và xây dựng; Quyết định số 54/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 3 năm
1998 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý và Điều hành các Chương trình
Kỹ thuật - Kinh tế (sau đây gọi là Quyết định số 54/1998/QĐ-TTg); Thông tư số
45/2003/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán
vốn đầu tư (sau đây gọi là Thông tư số 45/2003/TT-BTC).
2. Khi tiến hành nghiệm thu, bàn giao công trình
chủ đầu tư phải có Biên bản nghiệm thu bàn giao công trình, đây là văn bản pháp
lý để chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư.
3. Về quyết toán vốn đầu tư: Dự án có sử dụng nguồn
vốn ngân sách Nhà nước, vì vậy, hết năm tài chính (ngày 31 tháng 12) chủ đầu tư
phải lập báo cáo quyết toán tài chính, trong Báo cáo phải chi tiết từng nguồn
vốn sử dụng. Báo cáo quyết toán phải gửi cho Ban Chủ nhiệm Chương trình và các
cơ quan cấp phát và quản lý vốn có liên quan.
Điều 14. Các nội dung chủ đầu tư phải thực
hiện trong quyết toán vốn đầu tư.
1. Lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư đầy đủ nội dung
và đảm bảo thời gian quy định.
2. Trình duyệt, quản lý hồ sơ quyết toán vốn đầu
tư đúng quy định. Chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với số liệu, tính pháp
lý đối với tài liệu trong hồ sơ trình duyệt quyết toán.
3. Cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến quyết toán
vốn đầu tư theo yêu cầu của cơ quan thẩm tra (kiểm tra, kiểm toán).
4. Lựa chọn đơn vị kiểm toán, ký và tổ chức thực
hiện hợp đồng kiểm toán báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo quy định.
5. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại vật chất
nếu gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư của dự án.
Điều 15. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong
việc tổng kết dự án
1. Nội dung tổng kết dự án
Chủ đầu tư có dự án tham gia Chương trình Kỹ thuật
- Kinh tế khi tiến hành tổng kết, nghiệm thu, bàn giao công trình phải lập báo
cáo tổng kết đánh giá hiệu quả về kinh tế, xã hội của dự án thông qua kết quả
thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật,
sản xuất thử lô số 0 và ứng dụng khoa học công nghệ vật liệu vào sản xuất để
tạo sản phẩm chủ lực mang hàm lượng khoa học công nghệ cao đáp ứng nhu cầu
trong nước và hướng tới xuất khẩu.
2. Nội dung của Báo cáo tổng kết phải đánh giá: Thông
qua thực hiện chuyển giao công nghệ, dự án đã mang lại hiệu quả về kinh tế - xã
hội sau đầu tư, thể hiện ở các nội dung:
a. Danh mục các sản phẩm mới được tạo ra (số lượng,
chất lượng, đánh giá khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước và xuất khẩu);
b. Giá trị gia tăng về doanh thu, tăng lợi nhuận
và nộp thuế của doanh nghiệp;
c. Kim ngạch xuất khẩu (nếu có);
d. Đánh giá kết quả tiếp nhận công nghệ, nhân rộng
công nghệ;
đ. Giải quyết việc lmf cho người lao động, tăng thu
nhập cho người lao động.
3. Chủ đầu tư gửi biên bản nghiệm thu, báo cáo tổng
kết, báo cáo quyết toán dự án về Chương trình và các Bộ có liên quan: Bộ Công
nghiệp (Bộ quản lý Chương trình), Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Khoa
học và Công nghệ; Văn phòng Chính phủ.
Điều 16. Trách nhiệm của cơ quan quản lý chủ
đầu tư (Bộ, ngành, địa phương) trong việc nghiệm thu, quyết toán và tổng kết dự
án.
Cơ quan quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành, địa phương)
là cơ quan quyết định đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán đồng
thời cũng là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo quy
định hiện hành. Cơ quan quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành, địa phương) có trách
nhiệm:
1. Phân bổ vốn ngân sách Nhà nước theo đúng tiêu
chí và chế tài cụ thể đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chủ đầu tư thực
hiện.
2. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, các
cơ quan thuộc phạm vi quản lý thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư (lập,
trình duyệt, thẩm tra, phê duyệt, quyết toán vốn đầu tư) theo quy định.
3. Bố trí đủ vốn để thanh toán cho dự án trong năm
có quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.
4. Đôn đốc, tạo điều kiện pháp lý để chủ đầu tư thu
hồi số vốn đầu tư đã chi trả sai so với chế độ quy định cho các nhà thầu, cá
nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ cho dự án.
Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan quản lý chủ
đầu tư trong việc thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư
1. Dự án tham gia Chương trình có dùng vốn ngân sách
Nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của
Nhà nước, trước khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư phải được thẩm tra. Người
có thẩm quyền phê duyệt quyết toán quyết định tổ chức thẩm tra quyết toán theo
quy định hiện hành.
2. Cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu
tư có trách nhiệm:
a. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện
công tác quyết toán vốn kịp thời, đầy đủ nội dung biểu mẫu theo quy định.
b. Hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc
phát sinh trong quá trình quyết toán vốn đầu tư.
c. Tổ chức thảm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư
đầy đủ nội dung, yêu cầu theo quy định.
d. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm
tra.
đ. Hướng dẫn đôn đốc, tạo điều kiện pháp lý để chủ
đầu tư thu hồi số vốn đã thanh toán cho các nhà thầu lớn hơn so với vốn đầu tư
được quyết toán.
3. Trước khi phê duyệt quyết toán vốn đầu tư, cơ
quan quản lý chủ đầu tư (Bộ, ngành, địa phương) phải lấy ý kiến chính thức của Bộ
Công nghiệp (Bộ quản lý Chương trình), Ban Chủ nhiệm Chương trình về báo cáo tổng
kết nghiệm thu đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội của dự án và hiệu quả sử dụng
vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ dự án.
Điều 18. Trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Chương
trình trong nghiệm thu, quyết toán và tổng kết dự toán.
1. Sau khi dự án kết thúc, Ban Chủ nhiệm Chương trình
phối hợp với các Bộ quản lý Nhà nước có liên quan và các Bộ, ngành, địa phương
có dự án tham gia Chương trình tổ chức tổng kết, nghiệm thu dự án.
2. Ban Chủ nhiệm Chương trình báo cáo bằng văn bản
kết quả thực hiện dự án lên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ có liên quan.
Chương IV
QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN
Điều 19. Trách nhiệm của chủ đầu tư trong
việc quản lý thực hiện dự án.
Chủ đầu tư gửi báo cáo định kỳ (6 tháng, một năm),
báo cáo tiến độ thực hiện dự án và kết quả thực hiện dự án theo các biểu mẫu
quy định hiện hành trong các Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP
và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 54/1998/QĐ-TTg của
Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 45/2003/TT-BTC của Bộ Tài chính về Ban Chủ
nhiệm Chương trình và các Bộ có liên quan (tổng số là 06 bộ hồ sơ).
Điều 20. Trách nhiệm của Ban Chủ nhiệm Chương
trình và cơ quan quản lý chủ đầu tư (các Bộ, ngành, địa phương).
1. Ban Chủ nhiệm Chương trình phối hợp với các Bộ
có liên quan, các Bộ, ngành, địa phương có dự án và chủ đầu tư dự án quản lý thực
hiện dự án theo các quy định trong Nghị định số 52/1999/NĐ-CP, Nghị định số
12/2000/NĐ-CP và Nghị định số 07/2003/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số
54/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 45/2003/TT-BTC của Bộ Tài
chính.
2. Ban Chủ nhiệm Chương trình phối hợp với các Bộ
có liên quan, các Bộ, ngành, địa phương có dự án đôn đốc, kiểm tra, giám sát chủ
đầu tư thực hiện có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ và các nội dung
dự án được Chương trình hỗ trợ.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Văn phòng Ban Chủ nhiệm Chương trình
có trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn các chủ đầu tư có dự án tham gia
Chương trình thực hiện Quy định này.
Điều 22. Việc sửa đổi, bổ sung Quy định tạm
thời này do Chánh Văn phòng Chương trình đề xuất trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp
- Chủ nhiệm Chương trình Kỹ thuật - kinh tế về Công nghệ vật liệu xem xét quyết
định.