Quyết định 519/QĐ-UBND năm 2012 về Kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012 - 2015

Số hiệu 519/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/04/2012
Ngày có hiệu lực 05/04/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Trương Văn Sáu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 519/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 05 tháng 04 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ, ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Xét Tờ trình số 79/TTr.SNV, ngày 30 tháng 3 năm 2012 của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch Cải cách hành chính của tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng chính phủ;
- Bộ Nội vụ;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Các Ban Đảng Tỉnh ủy;
- UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long;
- Lãnh đạo VP.UBND tỉnh;
- Các phòng NC VP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, 1.11.02.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

KẾ HOẠCH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 519/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

A. MỤC TIÊU.

1. Xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của địa phương, nhất là văn bản về công chức, công vụ và thủ tục hành chính.

2. Thủ tục hành chính liên quan tới cá nhân, tổ chức được cải cách cơ bản theo hướng gọn nhẹ, đơn giản; phấn đấu đến năm 2015 giảm tối đa chi phí về thời gian và kinh phí của cá nhân, tổ chức khi thực hiện các thủ tục hành chính.

3. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đến năm 2015, các cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, trong đó có 50% cơ quan thực hiện cơ chế một cửa liên thông. (Hiện nay có 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến xã đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa; 03 sở, ngành, 02 đơn vị cấp huyện thực hiện cơ chế một cửa liên thông, cấp xã có 05 đơn vị); sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do cơ quan hành chính cung cấp đạt trên 60% vào năm 2015.

4. Đến năm 2015, chức năng của các cơ quan hành chính Nhà nước được xác định phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa, không có sự chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan.

5. Đến năm 2015 có 100% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện có cơ cấu hợp lý, đủ trình độ, năng lực và phẩm chất thực hiện công vụ, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước, phục vụ nhân dân (hiện nay cán bộ, công chức đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đối với cấp tỉnh, huyện là 1613/1747 người, đạt tỉ lệ 92,33%). Đến năm 2015 có 95% cán bộ chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn theo quy định (hiện nay 873/1225 người, đạt tỉ lệ 71,27%), 95% công chức cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên (hiện nay 916/1018 người, tỉ lệ 89,98%), 1570/2243 người (tương đương 70%) cán bộ, công chức cấp xã thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm. Khắc phục cơ bản tình trạng công chức, kể cả công chức cấp xã không đạt tiêu chuẩn theo chức danh.

6. Đến năm 2015, đảm bảo 100% cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh, huyện, thành phố, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 02, trong đó ít nhất 30% mức độ 3 (hiện nay có 4/8 huyện, thành phố, đạt 50% và 10/18 sở, ban, ngành tỉnh, đạt 55% thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 02).

B. NỘI DUNG VÀ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU.

I. CẢI CÁCH THỂ CHẾ.

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của địa phương, nhằm đảm bảo công tác quản lý và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút lao động, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách xã hội,... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

2. Tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà khoa học thực hiện phản biện các chương trình, đề án, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; xây dựng quy chế cụ thể để lấy ý kiến của nhân dân và đối tượng bị điều chỉnh trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

3. Thường xuyên rà soát và kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn của địa phương và quy định của Trung ương.

II. CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH.

[...]