Quy định 1005/2008 về thiết lập một hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, sửa đổi quy định (EEC) 2847/93, (EC) 1936/2001 và (EC) 601/2004, bãi bỏ quy định (EC) 1093/94 và (EC) 1447/1999 do Hội đồng Liên minh Châu Âu ban hành

Số hiệu 1005/2008
Ngày ban hành 29/09/2008
Ngày có hiệu lực 01/01/2010
Loại văn bản Quy định
Cơ quan ban hành Hội đồng Liên minh Châu Âu
Người ký M. Barnier
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

QUY ĐỊNH

QUY ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG (EC) SỐ 1005/2008 NGÀY 29 THÁNG 9 NĂM 2008 THIẾT LẬP MỘT HỆ THỐNG TRONG CỘNG ĐỒNG NHẰM PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VÀ XÓA BỎ CÁC HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO VÀ KHÔNG THEO QUY ĐỊNH, SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH (EEC) SỐ 2847/93, (EC) 1936/2001 VÀ (EC) SỐ 601/2004, BÃI BỎ QUY ĐỊNH (EC) SỐ 1093/94 VÀ (EC) SỐ 1447/1999

HỘI ĐỒNG LIÊN MINH CHÂU ÂU

Theo Hiệp định thiết lập khối Cộng đồng Châu Âu, cụ thể theo Điều 37 của Hiệp định,
Theo đề xuất của Ủy ban,
Theo ý kiến của Nghị viện Châu Âu ,
Theo ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Âu ,
Sau khi tham vấn Ban các Khu vực,

Xét thấy:

(1) Cộng đồng là một bên tham gia ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982 (Unclos), phê chuẩn Hiệp định của LHQ ngày 4/08/1995 về Triển khai Áp dụng các Điều khoản trong Công ước LHQ về Luật Biển ngày 10/12/1982 liên quan đến Bảo tồn và Quản lý các Đàn cá Chung và các Đàn cá Di cư xa (Hiệp định LHQ về các Đàn cá), chấp thuận Hiệp định Tăng cường Tuân thủ các Biện pháp Bảo tồn và Quản lý Quốc tế áp dụng cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ ngày 24/11/1993 của Tổ chức Nông nghiệp và Lương Thực LHQ (Hiệp định Tuân thủ FAO). Những quy định nêu trên đặt ra nguyên tắc các Quốc gia có trách nhiệm áp dụng những biện pháp phù hợp nhằm đảm bảo quản lý bền vững nguồn lợi biển và hợp tác với nhau để đạt tới mục tiêu đó.

(2) Mục tiêu của chính sách thủy sản chung, như nêu tại Quy định của Cộng đồng (EC) số 2371/2002 ngày 20/12/2002 về bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản theo chính sách thủy sản chung , là bảo đảm khai thác nguồn tài nguyên sinh vật, mang lại các điều kiện kinh tế, môi trường và xã hội bền vững.

(3) Hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất tới việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật và phá hủy cơ sở của chính sách thủy sản chung và các nỗ lực quốc tế nhằm quản lý đại dương tốt hơn. Hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định còn là mối đe dọa chính đối với đa dạng sinh học biển cần được giải quyết với những mục tiêu đề ra trong Thông tin từ Ủy ban – Chấm dứt việc mất đa dạng sinh học đến năm 2010 – và xa hơn nữa.

(4) FAO thông qua một kế hoạch hành động quốc tế năm 2001 nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà Cộng đồng đã thông qua. Ngoài ra, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực, với sự hỗ trợ của Cộng đồng, đã xây dựng nhiều biện pháp được thiết kế để đối phó với hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

(5) Phù hợp với các cam kết quốc tế và xét đến mức độ, tính cấp thiết của vấn đề, Cộng đồng nên tăng cường hành động chống lại hoạt động khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và thông qua các biện pháp quy định mới nhằm xử lý mọi mặt của hiện tượng này.

(6) Hành động của Cộng đồng trước hết nên nhằm vào hành vi được định nghĩa là hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định gây tác hại nghiêm trọng cho môi trường biển, tính bền vững của các đàn cá và tình hình kinh tế-xã hội của ngư dân là đối tượng của các nguyên tắc bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản.

(7) Theo định nghĩa hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, phạm vi điều chỉnh của Quy định này phải được mở rộng tới hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ và trong vùng biển thuộc quyền tài phán và chủ quyền của các quốc gia ven biển, bao gồm các vùng biển thuộc quyền tài phán và chủ quyền của các quốc gia thành viên.

(8) Nhằm giải quyết triệt để khía cạnh bên trong hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, vấn đề quan trọng là Cộng đồng thông qua các biện pháp cần thiết nhằm tăng cường tuân thủ các nguyên tắc của chính sách thủy sản chung. Trong khi chờ đợi sửa đổi Quy định của Hội đồng (EEC) số 2847/93 ngày 12/10/1993 về thiết lập một hệ thống kiểm soát áp dụng cho chính sách thủy sản chung , các điều khoản hướng tới mục đích này cần được đưa vào Quy định.

(9) Các nguyên tắc của Cộng đồng, cụ thể là Mục II trong Quy định (EEC) số 2847/93 về một hệ thống toàn diện được thiết kế nhằm giám sát tính hợp pháp của hoạt động khai thác do tàu đánh bắt của Cộng đồng tiến hành. Hệ thống hiện tại được áp dụng với các sản phẩm thủy sản do tàu của nước thứ ba đánh bắt và nhập khẩu vào Cộng đồng không đảm bảo được mức độ kiểm soát tương đương. Đỉểm yếu này là động cơ khiến các đối tượng bên ngoài Cộng đồng thực hiện hành vi khai thác trái phép, không báo cáo và không theo quy định để bán sản phẩm đánh bắt được vào Cộng đồng, tăng thu lợi nhuận. Là thị trường thủy sản và nguồn nhập khẩu thủy sản lớn nhất trên thế giói, Cộng đồng có trách nhiệm cụ thể đảm bảo rằng sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Cộng đồng không xuất phát từ hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Do vậy, một cơ chế mới sẽ được áp dụng để đảm bảo có sự kiểm soát thích đáng dây chuyền cung cấp sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào Cộng đồng.

(10) Nguyên tắc của Cộng đồng về tàu khai thác thủy sản treo cờ của nước thứ ba cập cảng Cộng đồng cần được tăng cường nhằm đảm bảo kiểm soát tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản do tàu đánh bắt treo cờ của nước thứ ba đánh bắt được. Điều này ám chỉ rằng tàu đánh bắt treo cờ của nước thứ ba chỉ được cập cảng Cộng đồng nếu có thể cung cấp thông tin chính xác về tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản đánh bắt và thông tin này được chứng thực bởi quốc gia tàu treo cờ.

(11) Hoạt động chuyển tải trên biển nhằm trốn tránh sự kiểm soát của quốc gia ven biển hoặc quốc gia treo cờ là cách thức các đối tượng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định che giấu tính chất bất hợp pháp của hàng thủy sản đánh bắt được. Do vậy, Cộng đồng chỉ cho phép hoạt động chuyển tải được thực hiện trong phạm vi cảng biển được chỉ định của các quốc gia thành viên, chuyển tải giữa các tàu của Cộng đồng trong cảng của các quốc gia thứ ba, hoặc chuyển tải bên ngoài vùng nước của Cộng đồng giữa các tàu đánh bắt của Cộng đồng và tàu đánh bắt đã đăng ký là tàu vận chuyển dưới sự bảo trợ của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

(12) Việc đặt ra các điều kiện, quy trình và tần suất các quốc gia thành viên tiến hành hoạt động kiểm tra, thanh tra và thẩm tra trên cơ sở quản lý rủi ro là điều phù hợp.

(13) Cần nghiêm cấm hoạt động mua bán các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Để cấm có hiệu quả và đảm bảo mọi sản phẩm thủy sản nhập vào hay xuất ra từ Cộng đồng được khai thác tuân theo các biện pháp quản lý và bảo tồn quốc tế, và nếu phù hợp, tuân theo các nguyên tắc liên quan đối với tàu thuyền đánh bắt, sẽ tiến hành áp dụng cơ chế giấy chứng nhận cho mọi hoạt động mua bán sản phẩm thủy sản được thực hiện với Cộng đồng.

(14) Cộng đồng nên xem xét khó khăn về năng lực của các nước đang phát triển khi triển khai áp dụng cơ chế giấy chứng nhận.

(15) Theo cơ chế này, điều kiện tiên quyết để nhập sản phẩm thủy sản vào Cộng đồng là cần phải có giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận đó thể hiện thông tin về tính hợp pháp của sản phẩm liên quan. Giấy chứng nhận được quốc gia tàu treo cờ chứng thực về tàu đánh bắt sản phẩm thủy sản liên quan, phù hợp với trách nhiệm của quốc gia theo luật pháp quốc tế để đảm bảo rằng tàu đánh bắt treo cờ của quốc gia đó tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về quản lý và bảo tồn nguồn lợi thủy sản.

(16) Điều cần thiết là cơ chế giấy chứng nhận này được áp dụng đối với tất cả sản phẩm hải sản nhập vào hay xuất ra từ Cộng đồng. Cơ chế này cũng nên được áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản được vận chuyển hay chế biến tại một quốc gia không phải quốc gia tàu treo cờ trước khi vào lãnh thổ Cộng đồng. Do vậy, nên áp dụng yêu cầu cụ thể với những sản phẩm đó để đảm bảo rằng sản phẩm vào lãnh thổ của Cộng đồng không có sự khác biệt với các sản phẩm đã được quốc gia tàu treo cờ chứng thực tính hợp pháp.

(17) Điều quan trọng là cần đảm bảo mức độ kiểm soát tương đương đối với mọi sản phẩm thủy sản nhập khẩu mà không gây ảnh hưởng tới khối lượng hay tần suất hoạt động thương mại, bằng cách áp dụng những quy trình cụ thể để trao quy chế đối tác kinh tế được chấp thuận.

(18) Việc xuất khẩu sản phẩm đánh bắt của các tàu đánh bắt thủy sản treo cờ của quốc gia thành viên cũng phải có giấy chứng nhận theo khung hợp tác với các nước thứ ba.

(19) Sản phẩm dự định được nhập khẩu vào quốc gia thành viên nào thì quốc gia đó phải kiểm tra tính xác thực của giấy chứng nhận khai thác thủy sản đi kèm với lô hàng và có quyền từ chối nhập khẩu nếu thấy những điều kiện đặt ra trong Quy định này liên quan tới giấy chứng nhận khai thác thủy sản không được đáp ứng.

(20) Quan trọng là các hoạt động kiểm tra, thanh tra và thẩm tra sản phẩm thủy sản quá cảnh hay chuyển tải được thực hiện trước tiên bởi quốc gia thành viên là nơi hàng đến nhằm nâng cao tính hiệu quả.

(21) Nhằm hỗ trợ cơ quan giám sát của các nước thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát tính hợp pháp của sản phẩm thủy sản mua bán với Cộng đồng, cũng như cảnh báo các đối tác kinh doanh trong Cộng đồng, một hệ thống cảnh báo của Cộng đồng cần được xây dựng, thiết kế để đưa thông tin tới nơi phù hợp về mọi nghi ngờ có cơ sở vững chắc liên quan đến sự tuân thủ của quốc gia thứ ba với các nguyên tắc bảo tồn và quản lý được áp dụng.

(22) Cộng đồng cần thông qua những biện pháp không khuyến khích tàu đánh bắt thực hiện hành vi đánh bắt thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà quốc gia tàu treo cờ không tiến hành những hoạt động phù hợp đối với các hành vi khai thác đó.

(23) Để làm được điều trên, Cộng đồng cần phối hợp với các nước thành viên, Cơ quan Kiểm soát Thủy sản của Cộng đồng, các nước thứ ba và cơ quan chức năng khác tiến hành xác định những tàu đánh bắt có nghi ngờ thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trên cơ sở quản lý rủi ro, Cộng đồng cần tìm kiếm thông tin do quốc gia tàu treo cờ cung cấp về độ chính xác của những điều phát hiện.

(24) Nhằm hỗ trợ công tác thẩm tra tàu đánh bắt được dự đoán có hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, và ngăn chặn việc tái diễn các hành vi xâm phạm, tàu đánh bắt đó phải được các quốc gia thành viên kiểm soát và điều tra.

(25) Dựa trên thông tin thu thập được, nếu có có sở cho thấy tàu đánh bắt treo cờ của một quốc gia thứ ba đã thực hiện hành vi đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định mà quốc gia tàu treo cờ có liên quan không thực hiện các biện pháp hiệu quả đối với những hành vi khai thác đó, Cộng đồng sẽ đưa tàu vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Cộng đồng.

[...]