Quy chế phối hợp 10/QCPH-BGTVT-UBND năm 2013 giữa Bộ Giao thông vận tải với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt

Số hiệu 10/QCPH-BGTVT-UBND
Ngày ban hành 25/03/2013
Ngày có hiệu lực 25/03/2013
Loại văn bản Quy chế
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải,Tỉnh Bình Định
Người ký Lê Hữu Lộc,Trương Tấn Viên
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/QCPH-BGTVT-UBND

Nghệ An, ngày 25 tháng 03 năm 2013

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỚI UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH TRONG VIỆC ĐẢM BẢO TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG TẠI CÁC ĐIỂM GIAO CẮT GIỮA ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT.

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Định thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích phối hợp

1. Tăng cường mối quan hệ, phát huy thế mạnh và khai thác tốt tiềm năng của mỗi bên, hỗ trợ lẫn nhau, tránh chồng chéo trong việc đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

2. Xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên nhằm đảm bảo giao thông được thông suốt, thuận lợi và an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

3. Xây dựng kế hoạch và lộ trình để xóa bỏ các điểm giao cắt cùng mức theo phân cấp quản lý.

Điều 2. Phạm vi phối hợp

Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Định phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:

1. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt, bao gồm: các đường ngang có người gác, đường ngang không có người gác (phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động) và các lối đi dân sinh hiện có.

2. Bảo vệ công trình đường sắt và đất trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt.

3. Phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; xây dựng đường gom, hàng rào cách ly giữa đường sắt và đường bộ nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

Trong quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường ngang không có phép (hay còn gọi là lối đi dân sinh) là điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt được hình thành do người dân tự mở nhưng không được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận sự tồn tại.

2. Cảnh giới đường ngang là hoạt động tạo ra tín hiệu, thông báo cho người tham gia giao thông nhận biết tàu hỏa sắp qua đường ngang hoặc lối đi dân sinh để người tham gia giao thông xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

3. Chốt gác là nơi tạo ra tín hiệu vừa mang tính hỗ trợ, vừa mang tính cưỡng chế với hình thức lập chắn tạm giúp người tham gia giao thông nhận biết tàu hỏa sắp qua đường ngang hoặc lối đi dân sinh để có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Chương 2.

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Nguyên tắc chung

Đường bộ giao cắt cùng mức với đường sắt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt hiện nay. Do đó, Bộ GTVT và UBND tỉnh Bình Định thống nhất ưu tiên mọi nguồn lực để giảm dần số điểm giao cắt cùng mức và hạn chế tối đa việc mở lối đi mới cắt qua đường sắt. Trong thời gian chờ xóa bỏ các điểm giao cắt cùng mức tạm thời giải quyết như sau:

1. Phối hợp rà soát, thống kê các đường ngang, lối đi dân sinh hiện có để cùng thống nhất biện pháp quản lý, vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, vừa đảm bảo được giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn.

2. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng và mức độ an toàn tại các đường ngang, lối đi dân sinh như: nâng cấp, cải tạo các đường ngang, cử người chốt gác hoặc cảnh giới, cải tạo tầm nhìn, cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc, tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận.

[...]