Thông tư 33/2012/TT-BGTVT quy định về đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 33/2012/TT-BGTVT
Ngày ban hành 15/08/2012
Ngày có hiệu lực 01/01/2013
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2012/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2012

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ĐƯỜNG NGANG

Căn cứ Luật Đường sắt số 35/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về Đường ngang,

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đường ngang, quy tắc giao thông tại đường ngang, tổ chức phòng vệ và tổ chức quản lý, xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông, quản lý, xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.

2. Thông tư này không áp dụng đối với nơi đường sắt và đường bộ cùng trên một mặt cầu; nơi đường sắt giao cắt với đường bộ trong nội bộ ga, cảng, bãi hàng nhà máy, xí nghiệp.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đường sắt quốc gia là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước, từng vùng kinh tế và liên vận quốc tế.

2. Đường sắt đô thị là đường sắt phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của hành khách ở thành phố, vùng phụ cận.

3. Đường sắt chuyên dùng là đường sắt phục vụ nhu cầu vận tải riêng của từng tổ chức, cá nhân.

4. Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác.

5. Đường bộ là đường dùng cho người và các phương tiện giao thông đường bộ qua lại. Đường bộ bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị, đường chuyên dùng, đường phục vụ triển khai dự án.

6. Đường sắt chính bao gồm:

a) Đối với đường sắt khổ 1000 mm là đường sắt cấp 1, cấp 2, cấp 3 (theo TCVN 8893:2011 cấp kỹ thuật đường sắt);

b) Đối với đường sắt khổ 1435 mm và đường sắt lồng (khổ 1435 mm và khổ 1000 mm) là đường sắt cấp 2, cấp 3 (theo TCVN 8893:2011 cấp kỹ thuật đường sắt).

Điều 4. Phạm vi đường ngang

Phạm vi đường ngang gồm:

1. Đoạn đường bộ đi qua đường sắt nằm giữa hai chắn hoặc nằm giữa hai ray chính ngoài cùng và hai bên đường sắt cách má ray ngoài cùng trở ra 6 m nơi không có chắn;

2. Đoạn đường sắt nằm giữa hai vai đường bộ tại điểm giao (Phụ lục 2);

3. Phạm vi đất nằm trong tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt và đường bộ.

[...]