Quy chế 35/QCPH/KTNN-TTHĐND-UBND phối hợp công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 35/QCPH/KTNN-TTHĐND-UBND
Ngày ban hành 04/01/2013
Ngày có hiệu lực 04/01/2013
Loại văn bản Quy chế
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Đinh Tiến Dũng,Lê Hoàng Quân,Nguyễn Thị Quyết Tâm
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Bộ máy hành chính

KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC - THƯỜNG TRỰC HĐND TP HCM - UBND TP HCM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/QCPH: KTNN-TTHĐND-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 01 năm 2013

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VỚI THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Kiểm toán Nhà nước;

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết 916/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Kiểm toán Nhà nước;

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của báo cáo kiểm toán, góp phần tăng cường công tác quản lý, sử dụng tiền và tài sản Nhà nước tại địa phương. Kiểm toán Nhà nước và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Thường trực HĐND, UBND Thành phố) thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi phối hợp

Quy chế này quy định mối quan hệ công tác giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND Thành phố trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và trong tổ chức các hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định pháp luật.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Phối hợp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND, UBND Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; và phối hợp trong trường hợp cần thiết, được địa phương đề nghị.

2. Bảo đảm nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, trung thực, khách quan.

3. Phối hợp trên tinh thần chủ động và đảm bảo phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan.

Chương 2.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp trong xây dựng kế hoạch kiểm toán.

2. Phối hợp trong thực hiện kiểm toán (trong đó, chú trọng phối hợp trong kiểm toán quản lý, sử dụng đất đai gắn với phát triển đô thị, thị trường bất động sản).

3. Phối hợp trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

4. Phối hợp trong hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương.

Điều 4. Phương thức phối hợp

1. Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu về hoạt động giám sát, quản lý và điều hành ngân sách địa phương và kết quả hoạt động kiểm toán.

2. Cử cán bộ, công chức tham gia phối hợp công tác.

3. Phối hợp tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, tập huấn; tổ chức giao ban định kỳ hàng năm giữa Kiểm toán Nhà nước với Thường trực HĐND, UBND Thành phố.

4. Trường hợp phát sinh công việc đột xuất cần có sự phối hợp thì cơ quan có nhu cầu phải thông báo và đề xuất bằng văn bản để các bên cùng trao đổi, giải quyết.

Điều 5. Trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước

1. Phối hợp và tham khảo Thường trực HĐND và UBND Thành phố trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm đối với thành phố Hồ Chí Minh; thông báo kế hoạch kiểm toán hàng năm đến Thường trực HĐND, UBND Thành phố; thực hiện kiểm toán theo đề nghị của Thường trực HĐND, UBND Thành phố đối với các công trình, dự án lớn, trọng điểm của thành phố trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện và quyết toán vốn đầu tư.

[...]