Nghị định 91/2008/NĐ-CP về việc công khai kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước

Số hiệu 91/2008/NĐ-CP
Ngày ban hành 18/08/2008
Ngày có hiệu lực 13/09/2008
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 91/2008/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 18 tháng 08 năm 2008

 

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CÔNG KHAI KẾT QUẢ KIỂM TOÁN VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ KIỂM TOÁN CỦA KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Kiểm toán nhà nước ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kiểm toán theo quy định riêng đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
Xét đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Nghị định này quy định về công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (sau đây gọi tắt là công khai kết quả kiểm toán) và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán; các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc tổ chức công khai kết quả kiểm toán.

Điều 2. Mục đích công khai kết quả kiểm toán

Công khai kết quả kiểm toán nhằm phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội và nhân dân đối với hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc công khai kết quả kiểm toán

1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác và đúng pháp luật các thông tin về kết quả kiểm toán.

2. Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm toán chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với kết quả kiểm toán đã công bố công khai.

3. Không được lợi dụng việc công khai kết quả kiểm toán để làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 4. Đối tượng và phạm vi công khai kết quả kiểm toán

1. Đối tượng công khai kết quả kiểm toán gồm:

a) Báo cáo kiểm toán năm;

b) Báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán;

c) Báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán;

d) Biên bản kiểm toán.

2. Phạm vi công khai kết quả kiểm toán bao gồm: tài liệu và số liệu về kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các phụ biểu kèm theo, trừ các nội dung sau đây:

a) Tài liệu và số liệu thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;

b) Bí mật nghề nghiệp của đơn vị được kiểm toán theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 12 Luật Kiểm toán nhà nước.

3. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, phạm vi công khai kết quả kiểm toán bao gồm: tài liệu và số liệu về kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và các phụ biểu kèm theo, trừ các nội dung quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này và báo cáo kiểm toán một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh theo quy định tại Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Điều 5. Thẩm quyền công khai kết quả kiểm toán

1. Kiểm toán Nhà nước tổ chức công khai đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 4 Nghị định này.

Nội dung, hình thức và thời hạn công khai kết quả kiểm toán được thực hiện theo quy định của Nghị định này.

[...]