Phương án 170/PA-UBND năm 2021 triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Số hiệu 170/PA-UBND
Ngày ban hành 21/07/2021
Ngày có hiệu lực 21/07/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chu Ngọc Anh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 170/PA-UBND

Hà Nội, ngày 21 tháng 7 năm 2021

 

PHƯƠNG ÁN

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC TIÊM CHỦNG TẠI HÀ NỘI

1. Sự cần thiết

Đại dịch COVID-19 đã lây lan và bùng phát mạnh tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn Thế giới, tính đến ngày 07/7/2021 đã có hơn 185 triệu người mắc và hơn 04 triệu người tử vong. Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia trên Thế giới đã triển khai chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô lớn, điển hình như tại Mỹ và một số nước Châu Âu có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng rất cao, ngăn chặn hiệu quả việc lây lan dịch bệnh, đây là cơ sở để các nước dần mở cửa trở lại. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp chủ động, hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19, các nước cần đẩy mạnh tiêm vắc xin để tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát.

Tại Việt Nam, ngày 11/6/2021 Bộ Chính trị ban hành Kết luận 07-KL/TW về nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó yêu cầu sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Y tế đang rất nỗ lực thúc đẩy đưa vắc xin phòng COVID-19 về nước sớm nhất, nhiều nhất, khẩn trương, quyết liệt triển khai có hiệu quả chiến lược vắc xin.

Hà Nội đã trải qua 04 đợt dịch, bằng tinh thần chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống và nỗ lực vượt bậc, tình hình dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, để thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội thì việc tiêm chủng vắc xin để phòng ngừa chủ động, tạo miễn dịch cộng đồng (trên 70% dân số được tiêm phòng vắc xin COVID-19) càng ngày càng trở nên cấp bách và là biện pháp căn cơ, hiệu quả, bền vững.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 18/5/2021 về việc mua vắc xin phòng COVID-19, Bộ Y tế đang khẩn trương triển khai ký kết hợp đồng mua vắc xin từ các nhà sản xuất, theo đó số lượng vắc xin từ nguồn mua, nguồn tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới và nguồn viện trợ của các nước sẽ có khoảng 120 triệu liều trong năm 2021. Để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin từ Bộ Y tế và triển khai tiêm chủng cho nhân dân Thủ đô trong năm 2021, thành phố Hà Nội cần chủ động xây dựng phương án để đáp ứng tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất ngay khi Thành phố được Bộ Y tế phân bổ với số lượng vắc xin lớn. Vì vậy, việc xây dựng Phương án triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 với yêu cầu thực hiện tối đa 200.000 mũi tiêm/ngày là hết sức cần thiết và cấp bách.

2. Thực trạng công tác tiêm chủng tại Hà Nội và nguồn lực cần thiết đáp ứng yêu cầu tiêm chủng 200.000 mũi tiêm/ngày

2.1. Thực trạng hệ thống tiêm chủng tại Hà Nội

- Hệ thống tiêm chủng của Hà Nội được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các Trạm Y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra còn có các điểm tiêm chủng vắc xin dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

- Theo thống kê trên toàn Thành phố có 604 dây chuyền tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng đảm bảo hoạt động, trong đó có: 547 dây chuyền tại cơ sở công lập đủ điều kiện (504 tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 18 tại Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện; 25 tại các bệnh viện công lập), 57 dây chuyền tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện (18 tại bệnh viện tư nhân, 39 tại Phòng khám đa khoa tư nhân và cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân).

- Về năng lực tiếp nhận, bảo quản vắc xin: Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện có 31 tủ bảo quản TCW3000, 09 tủ bảo quản TCW30AC, 37 hòm lạnh loại 25 lít, 03 hòm lạnh loại 12 lít. Tại 579 Trạm Y tế xã, phường có 1.185 phích vắc xin.

2.2. Nguồn lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày

- Theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018, tại mỗi điểm tiêm (sau đây gọi là dây chuyền tiêm chủng) thực hiện không quá 100 đối tượng/buổi (tương đương 200 mũi tiêm/ngày). Như vậy để tiêm được 200.000 mũi tiêm/ngày, Thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm chủng. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau Thành phố cần chuẩn bị 1.200 dây chuyền tiêm chủng.

- Về nhân lực tổ chức các dây chuyền tiêm chủng: ngoài 604 dây chuyền tiêm chủng đang hoạt động tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng, số nhân lực đã được tập huấn cấp chứng chỉ an toàn tiêm chủng hiện có của các Trung tâm Y tế có thể thêm 100 dây chuyền tiêm, như vậy có tổng số 704 dây chuyền tiêm chủng (504 tại Trạm Y tế và 101 tại các bệnh viện, Phòng khám đa khoa, cơ sở dịch vụ tiêm chủng và 99 dây chuyền lưu động), cần bổ sung thêm 496 dây chuyền tiêm tại các điểm tiêm lưu động (170 điểm).

- Hiện nay các Trung tâm Y tế có thể bố trí nhân lực cho đi đào tạo cho 106 dây chuyền và như vậy cần bổ sung thêm nhân lực cho 390 dây chuyền với tổng số 1.995 người (05 cán bộ/dây chuyền), trong đó:

+ Nhân lực huy động để tập huấn cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng (mỗi dây chuyền tiêm chủng có 03 người): 1.097 cán bộ y tế (390 bác sỹ và 798 điều dưỡng) từ các bệnh viện, viện, trường Cao đẳng, Đại học, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thành phố.

+ Nhân lực hỗ trợ cho các dây chuyền (02 người/dây chuyền): 798 sinh viên các trường Y trên địa bàn hỗ trợ cho các dây chuyền tiêm.

Ngoài ra Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố có 10 dây chuyền, Công ty Cổ phần vắc xin Việt Nam cam kết hỗ trợ 30 dây chuyền để dự phòng.

- Về trang thiết bị bảo quản vắc xin hiện có: tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã có thể tiếp nhận cùng thời điểm tối đa 1,3 triệu liều (theo quy cách đóng gói của vắc xin phòng COVID-19 do Astra Zeneca sản xuất), đối với các loại vắc xin có quy cách đóng gói khác số lượng tiếp nhận sẽ thay đổi. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị phải bảo quản các loại vắc xin phục vụ Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên để đáp ứng năng lực bảo quản cần huy động hỗ trợ thiết bị bảo quản vắc xin từ các đơn vị khác. Trong trường hợp bảo quản các vắc xin có điều kiện khắt khe hơn (như vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer yêu cầu bảo quản nhiệt độ -74°C) thì cần huy động kho lạnh của Bộ Tư lệnh Thủ đô và của các doanh nghiệp có dây chuyền lạnh, kho lạnh đảm bảo trên địa bàn.

Để tổ chức các dây chuyền tiêm chủng thì mỗi dây chuyền cần ít nhất 01 phích vắc xin, hiện có 1.185 phích vắc xin, về cơ bản có thể đáp ứng nhưng cần kiểm tra để đảm bảo số phích vắc xin còn hoạt động tốt và cần thiết mua bổ sung để chủ động đáp ứng khi cần huy động tăng số dây chuyền tiêm.

- Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, nhất là trong tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn cần phải huy động các tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các sự cố tiêm chủng, qua rà soát hiện toàn Thành phố có thể huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ này. Sở Y tế sẽ điều phối các tổ cấp cứu cơ động phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực.

II. CĂN CỨ PHÁP LÝ

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

- Luật Dược số 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016;

- Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19;

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ