Pháp lệnh tổ chức Toà án nhân dân tối cao và tổ chức Toà án nhân dân địa phương năm 1961

Số hiệu 18/LCT
Ngày ban hành 23/03/1961
Ngày có hiệu lực 30/03/1961
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Hồ Chí Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18/LCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1961

 

PHÁP LỆNH

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ TỔ CHỨC CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ TỔ CHỨC CỦA CÁC TOÀ ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Căn cứ vào Điều 98 của Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Luật tổ chức Toà án nhân dân ngày 14 tháng 7 năm 1960;
Để kiện toàn Toà án nhân dân các cấp, tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức Toà án nhân dân và bảo đảm cho việc xét xử được chính xác và đúng pháp luật;
Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của các Toà án nhân dân địa phương.

Chương 1:

TỔ CHỨC CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Điều 1: Toà án nhân dân tối cao gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó chánh án, các thẩm phán và thẩm phán dự khuyết.

Toà án nhân dân tối cao có những tổ chức sau đây:

- Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao;

- Các Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao;

- Các Toà hình sự, Toà dân sự và Toà quân sự;

- Toà phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao;

- Hội đồng toàn thể thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Điều 2: Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (1) có nhiệm vụ:

a) Xét những vụ án quan trọng hoặc phức tạp;

b) Xét các kháng nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với những bản án hoặc những quyết định của các Toà chuyên trách và Toà phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao;

c) Hướng dẫn các Toà án áp dụng pháp luật và đường lối, chính sách xét xử;

d) Quyết định việc bố trí các thẩm phán trong các Toà của Toà án nhân dân tối cao;

đ) Thảo luận những dự án luật, dự án pháp lệnh mà Toà án nhân dân tối cao sẽ trình Quốc hội hoặc Uỷ ban thường vụ Quốc hội; thảo luận những vấn đề pháp luật cần đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích;

e) Tổng kết kinh nghiệm xét xử.

Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có từ chín đến mười một uỷ viên.

Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao họp ít nhất mỗi tháng hai lần và quyết định theo đa số.

Điều 3: Các Toà hình sự và Toà dân sự của Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền:

a) Sơ thẩm đồng thời là chung thẩm những vụ án do pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân tối cao và những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp dưới nhưng Toà án nhân dân tối cao xét thấy cần lấy lên để xử;

b) Phúc thẩm những bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của các Toà án nhân dân khu tự trị bị chống án hoặc bị kháng nghị;

c) Xử lại những vụ án do Toà mình hoặc Toà phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Uỷ ban thẩm phán Toà án nhân dân tối cao giao cho xử lại;

Xử lại những vụ án do Toà án nhân dân cấp dưới đã xử mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nhưng Chánh án Toà án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị.

Điều 4: Toà phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao có thẩm quyền:

a) Phúc thẩm những bản án hoặc những quyết định sơ thẩm của các Toà án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương bị chống án hoặc bị kháng nghị;

[...]