Thông tư 377-TC năm 1961 hướng dẫn tổ chức bầu cử Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành.

Số hiệu 377-TC
Ngày ban hành 25/04/1961
Ngày có hiệu lực 10/05/1961
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao
Người ký Phạm Văn Bạch
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 377-TC

Hà Nội, ngày 25 tháng 04 năm 1961

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC TỔ CHỨC BẦU CỬ THẨM PHÁN VÀ HỘI THẨM NHÂN DÂN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

Để thi hành Hiến pháp, luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 14 tháng 07 năm 1960 và pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức Tòa án nhân dân tối cao và tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương ngày 23-03-1961, Tòa án nhân dân tối cao ra thông tư này để hướng dẫn việc tổ chức bầu cử thẩm phán và hội thẩm nhân dân của các Tòa án nhân dân địa phương.

I. BẦU CỬ CÁC THẨM PHÁN CỦA CÁC TÒA ÁN NHÂN DÂN ĐỊA PHƯƠNG

1. Mục đích, ý nghĩa của việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:

Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, Tòa án nhân dân giữ một vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm tôn trọng và chấp hành pháp luật và chính sách của Đảng và Nhà nước. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử những vụ án hình sự và dân sự để trừng trị những kẻ phạm tội và giải quyết những việc tranh chấp về dân sự trong nhân dân. Trong Nhà nước dân chủ nhân dân đang làm nhiệm vụ của chuyên chính vô sản, Tòa án nhân dân là một công cụ trọng yếu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động để bảo vệ chế độ, bảo vệ trật tự xã hội, tài sản công cộng và quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Thông qua toàn bộ hoạt động của mình, Tòa án giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, với chế độ dân chủ nhân dân, tôn trọng tài sản công cộng, tự giác tuân theo pháp luật, kỷ luật lao động, chấp hành đúng đắn mọi chính sách của Đảng và Nhà nước. Đó là những nhiệm vụ nặng nề và khó khăn; cho nên Tòa án nhân dân phải do những cán bộ được sự tín nhiệm của nhân dân và có đủ năng lực phụ trách và chịu trách nhiệm trước nhân dân. Vì vậy, hiến pháp và luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định rằng: các Tòa án nhân dân thực hành chế độ thẩm phán bầu. Thẩm phán của các tòa án nhân dân địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra và bãi miễn.

Trước đây, các thẩm phán của các Tòa án nhân dân do Chính phủ bổ nhiệm. Thực hành chế độ thẩm phán bầu có nghĩa là mở rộng dân chủ và tăng cường tính chất nhân dân của tổ chức tòa án, thực hiện thêm đầy đủ quyền làm chủ nước nhà, làm chủ xã hội của nhân dân, làm cho tòa án thực sự là tòa án của nhân dân.

Hiện nay, thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương còn thiếu và yếu. Vì vậy, việc thực hiện chế độ thẩm phán bầu sẽ là một dịp để tăng cường và kiện toàn các Tòa án nhân dân, làm cho các Tòa án nhân dân có đủ số thẩm phán và các thẩm phán đó đều là những cán bộ có đức, có tài, được sự tín nhiệm của nhân dân.

2. Tiêu chuẩn và thành phần của các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:

Trong tổ chức của tòa án nhân dân, các thẩm phán là những cán bộ chuyên trách có trách nhiệm bảo đảm tốt việc xét xử và hòa giải.

Để bảo đảm cho việc xét xử được tốt, điều 25 luật tổ chức Tòa án nhân dân đã quy định rằng: "công dân có quyền bầu cử và ứng cử từ hai mươi ba tuổi trở lên có thể được bầu làm thẩm phán".

Trong công tác xét xử và hòa giải, thẩm phán các Tòa án nhân dân thương phải giải quyết những vấn đề khó khăn và phức tạp về hình sự và về dân sự. Muốn giải quyết được đúng đắn những vấn đề đó, thẩm phán phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân và phải nắm vững được những chính sách của Đảng và của Nhà nước.

Trong chế độ của chúng ta, thẩm phán không những phải là người có khả năng mà còn phải là người có tinh thần trách nhiệm cao, có tư cách, đạo đức tốt, có uy tính, có quan hệ tốt với quần chúng. Nếu thẩm phán không gương mẫu trong công tác và trong đời sống và không được nhân dân tín nhiệm thì không thể có tác dụng giáo dục nhân dân.

Nói tóm lại, những người được bầu làm thẩm phán của các Tòa án nhân dân cần có đủ những tiêu chuẩn sau đây:

1. Có quyền bầu cử và ứng cử, từ hai mươi ba tuổi trở lên;

2. Có lập trường cách mạng vững và nắm vững được những chính sách của Đảng và Nhà nước;

3. Có tinh thần công tác và tư cách, đạo đức tốt, có quan hệ tốt với quần chúng nhân dân.

Ở trong các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, và khu tự trị, Ủy ban thẩm phán và tổ chức có trách nhiệm lãnh đạo công tác xét xử của tòa án. Những người được bầu làm ủy viên Ủy ban thẩm phán được chọn trong số thẩm phán của các Tòa án đó.

Các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc không phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.

Trong việc bầu cử các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương cần chú ý những điểm sau đây:

- Ở miền núi, đại đa số thẩm phán phải là người cán bộ dân tộc thiểu số;

- Chú ý bầu cử cán bộ phụ nữ làm thẩm phán của các cấp tòa án nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, cần bảo đảm cho mỗi Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc trung ương, tỉnh hoặc đơn vị hành chính tương đương, khu tự trị có ít nhất một thẩm phán là phụ nữ.

3. Nhiệm kỳ của các thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:

Theo điều 27 của luật tổ chức tòa án nhân dân thì nhiệm kỳ của Chánh án, Phó chánh án, các thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương là bốn năm.

Theo điều 28 của luật tổ chức tòa án nhân dân thì nhiệm kỳ của Chánh án, Phó chánh án và thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố thuộc tỉnh, thị xã, huyện hoặc đơn vị hành chính tương đương là ba năm.

4. Sở thẩm phán và ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân địa phương:

Trong tổ chức của tòa án, thẩm phán có trách nhiệm xét xử hoặc hòa giải các vụ án. Muốn cho việc xét xử hoặc hòa giải được tốt, thẩm phán phải tự mình nghiên cứu hồ sơ ngay từ đầu, nếu cần thiết thì hỏi cung những người đương sự và can phạm hoặc đi xác minh tại chỗ. Thẩm phán phải trực tiếp phụ trách những công việc đó thì mới nắm vững được những tình tiết của vụ án, nắm vững được tư tưởng của những người đương sự và can phạm. Hiện nay, nói chung, các Tòa án nhân dân địa phương thiếu thẩm phán cho nên có nhiều trường hợp thẩm phán giao cho các thư ký hòa giải, hỏi cung, đi xác minh thực tế mà mình không trực tiếp tham gia; có nơi thẩm phán chỉ trực tiếp nghiên cứu hồ sơ khi gần xét xử. Làm như vậy thì việc xét xử không được tốt và không đúng với trách nhiệm của thẩm phán. Để cho các Tòa án nhân dân địa phương có đủ thẩm phán là những người có đủ thẩm quyền và có đủ khả năng và uy tín để xét xử hòa giải, hỏi cung... điều 17 của luật tổ chức tòa án nhân dân và điều 15 của pháp lệnh ngày 23-03-1961 đã quy định rằng:

- Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương gồm có Chánh án, một hoặc nhiều Phó chánh án và các thẩm phán. Số thẩm phán của các Tòa án nhân dân thành phố và tỉnh trực thuộc trung ương hoặc đơn vị hành chính tương đương, kể cả Chánh cá và Phó chánh án, có từ bốn đến bảy người. Số ủy viên Ủy ban thẩm phán của các Tòa án nhân dân đó có từ ba đến năm người;

[...]