Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Pháp lệnh luật sư năm 2001

Số hiệu 37/2001/PL-UBTVQH10
Ngày ban hành 25/07/2001
Ngày có hiệu lực 01/10/2001
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Văn An
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2001/PL-UBTVQH10

Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2001

 

PHÁP LỆNH

CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 37/2001/PL-UBTVQH10 NGÀY 25 THÁNG 7 NĂM 2001 VỀ LUẬT SƯ

Để bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn pháp luật của cá nhân, tổ chức, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa;
Để phát triển và củng cố đội ngũ luật sư chuyên nghiệp có phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, phát huy vai trò của luật sư và tổ chức luật sư trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, tăng cường quản lý nhà nước đối với tổ chức luật sư và hành nghề luật sư;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001;
Pháp lệnh này quy định về tổ chức luật sư và hành nghề luật sư.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Luật sư

1. Luật sư là người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của Pháp lệnh này và tham gia hoạt động tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật, các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật.

2. Bằng hoạt động của mình, luật sư góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. Nguyên tắc hành nghề luật sư

1. Tuân thủ pháp luật.

2. Tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư.

3. Trung thực, tôn trọng sự thật khách quan.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp của mình.

Điều 3. Hình thức tổ chức hành nghề luật sư

Hình thức tổ chức hành nghề luật sư là Văn phòng luật sư và Công ty luật hợp danh được quy định tại Pháp lệnh này.

Điều 4. Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư được thành lập để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các luật sư, giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư và tham gia việc quản lý hành nghề luật sư theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 5. Quản lý hành nghề luật sư

Quản lý hành nghề luật sư được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước về hành nghề luật sư với phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật và quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề.

Điều 6. Khuyến khích hoạt động trợ giúp pháp lý

Nhà nước và xã hội khuyến khích các luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và người được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA LUẬT SƯ

Điều 7. Điều kiện hành nghề luật sư

Người muốn được hành nghề luật sư phải gia nhập một Đoàn luật sư và có Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Điều 8. Điều kiện gia nhập Đoàn luật sư

1. Người có đủ các điều kiện sau đây thì được gia nhập Đoàn luật sư:

a) Là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam;

[...]