Pháp lệnh hôn nhân và Gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993

Số hiệu 28-L/CTN
Ngày ban hành 02/12/1993
Ngày có hiệu lực 01/03/1994
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Lê Đức Anh
Lĩnh vực Quyền dân sự

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28-L/CTN

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 1993

 

PHÁP LỆNH

SỐ 28-L/CTN NGÀY 02/12/1993 CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 103 và Điều 106 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Điều 78 của Luật Tổ chức Quốc hội,

NAY CÔNG BỐ:

Pháp lệnh Hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoá IX) thông qua ngày 2 tháng 12 năm 1993.

PHÁP LỆNH

HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH GIỮA CÔNG DÂN VIỆT NAM VỚI NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Căn cứ vào các điều 14, 75, 81 và 91 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Luật hôn nhân và gia đình;
Pháp lệnh này quy định về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

1- Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và bảo vệ phù hợp với các quy định của Hiến pháp, Luật hôn nhân và gia đình Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam, cũng như các quy định về hôn nhân và gia đình trong các điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia.

2- Trong quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài được hưởng quyền và có nghĩa vụ như pháp luật Việt Nam quy định cho công dân Việt Nam.

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình với người nước ngoài, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.

3- Trong pháp lệnh này, "Người nước ngoài" được hiểu là người không có quốc tịch Việt Nam.

Điều 2

1- Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Quản lý Nhà nước bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Soạn thảo các dự án luật và pháp lệnh trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; ban hành văn bản pháp quy thi hành Luật hôn nhân và gia đình và Pháp lệnh này;

b) Chỉ đạo và hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

c) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;

d) Thực hiện việc bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong quan hệ hôn nhân và gia đình với người nước ngoài;

đ) Thực hiện hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

2- Bộ tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài theo quy định của Chính phủ.

3- Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài ở địa phương mình theo quy định của Chính phủ.

Điều 3

[...]