Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam năm 1988 do Hội đồng Nhà nước ban hành

Số hiệu 10-LCT/HĐNN8
Ngày ban hành 05/12/1988
Ngày có hiệu lực 10/12/1988
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Hội đồng Nhà nước
Người ký Võ Chí Công
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 10-LCT/HĐNN8

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1988

 

PHÁP LỆNH

PHÁP LỆNH CỦA HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC SỐ 10-LCT/HĐNN8 NGÀY 05/12/1988 VỀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

Để không ngừng nâng cao năng lực công nghệ của đất nước, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội, phù hợp với chính sách mở rộng hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật với nước ngoài;
Căn cứ vào Điều 16, Điều 43 và Điều 100 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Pháp lệnh này quy định việc chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài chuyển giao công nghệ vào Việt Nam trên nguyên tắc bình đẳng và các bên cùng có lợi.

Nhà nước Việt Nam bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân ở nước ngoài chuyển giao công nghệ vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao đó.

Điều 2

Trong pháp lệnh này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1- "Bên giao công nghệ" là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế, khoa học, công nghệ và tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân ở nước ngoài có công nghệ chuyển giao vào Việt Nam.

2- "Bên nhận công nghệ" là một bên gồm một hoặc nhiều tổ chức kinh tế, khoa học, công nghệ và tổ chức khác có tư cách pháp nhân hoặc cá nhân ở Việt Nam tiếp nhận công nghệ.

3- "Hai bên" là bên giao công nghệ và bên nhận công nghệ.

Điều 3

Những hoạt động dưới đây được coi là chuyển giao công nghệ:

1- Chuyển giao quyền sở hữu hoặc sử dụng sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác;

2- Chuyển giao các bí quyết hoặc kiến thức kỹ thuật chuyên môn dưới dạng phương án công nghệ, tài liệu thiết kế, công thức, thông số kỹ thuật có hoặc không kèm theo thiết bị;

3- Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ và tư vấn công nghệ, kể cả đào tạo và thông tin.

Điều 4

Trong việc chuyển giao công nghệ vào Việt Nam không được vi phạm những yêu cầu dưới đây:

1- Nâng cao trình độ công nghệ, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra những sản phẩm mới;

2- Không làm phương hại an toàn sản xuất;

3- Sử dụng hợp lý năng lượng, các nguồn tài nguyên và nguồn nhân lực;

4- Không làm hại đến môi trường.

Những lĩnh vực được khuyến khích chuyển giao công nghệ do Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố.

Chương 2:

HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 5

[...]