Pháp lệnh bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia của Uỷ ban thường vụ quốc hội năm 2007

Số hiệu 32/2007/PL-UBTVQH11
Ngày ban hành 20/04/2007
Ngày có hiệu lực 01/10/2007
Loại văn bản Pháp lệnh
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 32/2007/PL-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 20 tháng 04 năm 2007 

 

PHÁP LỆNH

BẢO VỆ CÔNG TRÌNH QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ĐẾN AN NINH QUỐC GIA CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 32/2007/PL-UBTVQH11  NGÀY 20 THÁNG 4 NĂM 2007

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết số 12/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 2 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI (2002-2007);
Pháp lệnh này quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định về nguyên tắc, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; lực lượng bảo vệ, chính sách, điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

Điều 2.Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.

Điều 3.Nguyên tắc bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu bảo vệ công trình với yêu cầu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.

3. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn công trình.

Điều 4.Nhiệm vụ bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

1. Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người và công trình trong quá trình khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý và sử dụng.

2. Xây dựng chương trình, kế hoạch bảo vệ, đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi xâm phạm an ninh, an toàn của công trình.

Điều 5.Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, công dân trong bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

2. Phát hiện, cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến bảo vệ công trình cho cơ quan, đơn vị Công an, Quân đội, lực lượng bảo vệ hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

3. Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ công trình; giúp đỡ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức và người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ công trình.

4. Tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công trình xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Điều 6.Lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

Lực lượng bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia bao gồm:

1. Lực lượng bảo vệ của Bộ Công an;

2. Lực lượng bảo vệ của Bộ Quốc phòng;

3. Lực lượng bảo vệ của cơ quan, tổ chức quản lý công trình.

Điều 7.Kinh phí bảo đảm hoạt động bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia

[...]