NGHỊ QUYẾT
VỀ MỤC TIÊU,
NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2013
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ NĂM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị
định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Uỷ ban nhân dân;
Sau khi xem xét báo cáo của Ủy ban nhân dân
tỉnh, báo cáo của các cơ quan hữu quan, báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng
nhân dân tỉnh, ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh tán thành báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành hữu quan về đánh giá tình
hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2012 và mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch
năm 2013. Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh một số vấn đề chủ yếu sau:
1. Về mục tiêu, chỉ tiêu
chủ yếu của kế hoạch năm 2013
a) Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh
tế cao hơn năm 2012, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh
tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của từng ngành,
từng sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, trong đó ưu
tiên đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng
Sơn. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020.
Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện đời sống vật chất, tinh
thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo đảm
quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền biên giới quốc
gia.
b) Các chỉ tiêu chủ yếu
- Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP)
tăng từ 8,5- 9%, trong đó: nông lâm nghiệp tăng 4 - 4,5%; công nghiệp - xây
dựng tăng 10- 11%; dịch vụ tăng 10- 11%. Cơ cấu GDP: Nông lâm nghiệp chiếm 36-
37%, công nghiệp- xây dựng 22- 23%, dịch vụ 41- 42%.
- GDP bình quân đầu người theo giá
thực tế khoảng 27 triệu đồng.
- Sản lượng lương thực khoảng 300
nghìn tấn.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng địa
phương tăng 11- 12%.
- Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển
toàn xã hội khoảng 7.900 tỷ đồng.
- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn
3.307 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 818 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu
2.450 tỷ đồng, thu quản lý qua ngân sách 39 tỷ đồng. Thu phí sử dụng bến, bãi
đối với phương tiện vận tải ra vào khu vực cửa khẩu 200 tỷ đồng. Tổng chi cân
đối ngân sách địa phương 4.373,7 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên 3.980 tỷ
đồng.
- Mức giảm tỷ lệ sinh: 0,2%o.
- Số lao động được giải quyết
việc làm mới: 12.500 người.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo:
39%.
- Số trường đạt chuẩn quốc gia
mới: 08 trường.
- Số xã mới có đường ô tô đến
trung tâm đi 4 mùa: 01 xã, lũy kế 207 xã, đạt tỷ lệ 91,6%.
- Tỷ lệ hộ được sử dụng điện:
96,3%.
- Tỷ lệ thôn, bản, khối phố có
nhà văn hoá: 75%.
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3% trở
lên.
- Trồng mới 9.000 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 51,9%.
- Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử
dụng nước hợp vệ sinh: 81%.
- Tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng
nước sạch: 95%.
- Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom
và xử lý: 81%.
2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
a) Tập trung đẩy mạnh sản xuất
kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững
Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện
có hiệu quả các giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát
triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 theo Nghị quyết của Chính phủ và các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh,
Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ, mục tiêu năm 2013.
Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng
Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn. Đẩy mạnh triển khai thực hiện quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch chi tiết các khu chức năng của
khu kinh tế cửa khẩu đã được phê duyệt; hoàn thành và
triển khai thực hiện quy hoạch phân khu trục trung tâm khu kinh tế cửa khẩu;
thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng tại các khu vực cửa
khẩu Chi Ma, Cốc Nam. Tập trung tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng trọng yếu của khu kinh
tế cửa khẩu, trọng tâm là khu vực các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma,
thành phố Lạng Sơn và thị trấn Đồng Đăng. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư
của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường công tác xúc tiến
đầu tư, xúc tiến thương mại để thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, các dự án
đầu tư hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện các tiểu hợp phần đầu tư hạ tầng
cửa khẩu Hữu Nghị, thoát nước thị trấn Đồng Đăng do ADB tài trợ.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu
nội ngành nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Tăng cường áp dụng giống
mới, tiến bộ khoa học- công nghệ để nâng cao năng suất,
chất lượng sản phẩm; chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, mùa vụ, ưu tiên phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày, rau màu có
giá trị kinh tế cao. Tổ chức tốt công tác phòng chống sâu
bệnh trên các loại cây trồng và các loại dịch bệnh cho gia
súc, gia cầm. Chủ động tổ chức phòng chống đói, rét cho
gia súc. Quy hoạch và đầu tư một số cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân
cư. Tổ chức trồng rừng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo kế hoạch; tăng cường
công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng chống cháy rừng. Tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống hồ đập, kênh mương đầu mối,
nội đồng để đảm bảo tưới tiêu theo khung thời vụ. Tập trung hoàn thành công tác kè chống xói lở bờ sông biên giới, kè
sông Kỳ Cùng; chủ động phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai. Tổ chức thực hiện có
hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020, trong đó
tập trung huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã,
nhất là các xã điểm của tỉnh, huyện và phát triển nguồn nhân lực nông thôn.
Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn
để ổn định và nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp
hiện có. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp lắp ráp, gia công, tái chế
hàng hoá xuất nhập khẩu gắn với lợi thế cửa khẩu. Khuyến khích, tạo điều kiện
thuận lợi phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, các cơ sở tiểu thủ công
nghiệp, làng nghề để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm công
nghiệp Hợp Thành, Hữu Lũng; xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công
nghiệp Đồng Bành, Khu công nghiệp Hồng Phong. Tạo điều kiện thuận lợi để triển
khai dự án nhiệt điện Na Dương (giai đoạn 2), đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án
Nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô Dragon và các dự án thủy điện nhỏ trên địa bàn
tỉnh.
Tập trung phát triển và nâng cao chất
lượng hoạt động của các ngành dịch vụ mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, trong đó
trọng tâm là các dịch vụ vận tải, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư
vấn... Tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các hoạt động
xuất nhập khẩu qua địa bàn; chú trọng ổn định và tăng giá trị một số mặt hàng
xuất khẩu của địa phương. Tổ chức khai thác tốt thị trường nội địa, tiếp tục
hoàn thiện đầu tư, củng cố hệ thống chợ nông thôn, chợ thị trấn, thị tứ; tiếp
tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt
Nam”. Tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương
mại, đảm bảo lưu thông hàng hoá trên địa bàn thông suốt. Hoàn thành và triển
khai thực hiện quy hoạch phát triển du lịch khu vực Mẫu Sơn.
Triển khai thực hiện có hiệu quả cơ
chế, chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa của
Chính phủ, của tỉnh. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi
đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh. Lựa chọn, hình thành “mặt bằng sạch” ở
một số địa điểm có điều kiện thuận lợi trong khu kinh tế cửa khẩu để thu hút
các dựa án đầu tư. Chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư,
sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã
(sửa đổi) và Phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh Lạng Sơn quản
lý giai đoạn 2011- 2015.
Tập trung chỉ đạo tốt công tác quản
lý, điều hành thu, chi ngân sách. Thực hiện đồng bộ các
biện pháp tăng thu, chống thất thu, phấn đấu thu vượt dự toán để có thêm nguồn
vốn dành cho đầu tư phát triển và giải quyết một số nhiệm vụ chi thiết yếu.
Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc chi tiêu ngân sách, bảo đảm chi đúng định
mức, chế độ, thực hành tiết kiệm chi, chống thất thoát lãng phí, đáp ứng các
nhiệm vụ thường xuyên và chủ động giải quyết được các khoản chi đột xuất phát
sinh. Nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong việc quản lý, sử dụng
ngân sách, tiền, tài sản nhà nước
b) Huy động tốt các nguồn vốn
cho đầu tư phát triển
Tập trung cải thiện môi trường đầu
tư để huy động cao nhất các nguồn vốn đầu tư phát triển. Áp dụng rộng rãi các
hình thức huy động vốn (bao gồm cả nguồn tín dụng ưu đãi, nguồn tạm ứng Kho bạc
nhà nước...), tranh thủ mọi cơ hội để kêu
gọi các nguồn từ khu vực dân doanh, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA… Đảm bảo bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách
nhà nước do tỉnh quản lý theo đúng quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các
Bộ, ngành Trung ương. Nâng cao hiệu lực và hiệu quả của
đầu tư, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn nhà nước, tăng cường công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tập trung đẩy
nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng công trình, giải ngân, thanh toán,
quyết toán vốn theo đúng kế hoạch.
c) Phát triển các lĩnh vực văn hoá-
xã hội và bảo đảm an sinh xã hội
Tiếp tục thực hiện đổi mới
toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục; củng cố duy trì và nâng cao kết quả
phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, chú trọng công tác phổ cập giáo dục mầm non
cho trẻ năm tuổi. Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày
27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ dạy nghề lao động nông thôn và Quy hoạch
phát triển nhân lực tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2011- 2020. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và huy động các nguồn lực đầu tư
cho phát triển giáo dục và đào tạo. Tiếp tục liên kết
đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa
bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân, trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của tuyến xã. Nâng cao năng lực giám sát, phát hiện và khống
chế, dập dịch kịp thời và hiệu quả khi có dịch xảy ra. Tăng cường công
tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt công tác dân số
kế hoạch hóa gia đình. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng Bệnh viện tuyến
tỉnh, Bệnh viện tuyến huyện từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Tăng cường công tác tuyên truyền đường lối,
chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước đến người dân. Gắn kết phát triển
văn hoá với phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền
thống; xây dựng đời sống văn hoá, gia đình, làng bản và cơ quan
văn hoá. Thực hiện bảo tồn các di tích lịch sử, cách
mạng, văn hoá, phát huy văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Thực hiện tốt phong
trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo
gương Bác Hồ vĩ đại”. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin,
báo chí, xuất bản. Đẩy mạnh xã hội hóa và đa
dạng hoá nguồn lực đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao.
Tập trung thực hiện tốt các cơ chế,
chính sách bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với người có công, người nghèo,
các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình giảm
nghèo giai đoạn 2011- 2015 và Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính
phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ 2011- 2020. Mở rộng quy mô đào
tạo nghề gắn với các chương trình giải quyết việc làm, chương trình xây dựng
nông thôn mới để đảm bảo thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống cho các tầng
lớp nhân dân.
Thực hiện có hiệu quả chính sách đại
đoàn kết dân tộc và chính sách tôn giáo của Đảng và nhà nước. Thực hiện các chính
sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ đào tạo cho con em dân tộc;
khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất, tạo
việc làm, nâng cao đời sống của gia đình và cộng đồng. Giải quyết tốt các vấn
đề về tín ngưỡng, tôn giáo.
d) Khoa học công nghệ; công tác quy hoạch, kế hoạch; tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững
Triển khai thực hiện có hiệu quả dự
án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của
doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012- 2020”; hoàn thành và
triển khai thực hiện quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh. Tổ chức
thực hiện các giải pháp tích cực để tạo chuyển biến mới trong nghiên cứu, ứng
dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và đời sống, nhất
là trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động khoa
học và công nghệ.
Nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch
và quản lý quy hoạch đồng bộ từ quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội tới quy
hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất.
Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế
hoạch. Thực hiện công khai hóa, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, doanh
nghiệp giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch. Đổi mới nội dung và phương
pháp lập và thực hiện kế hoạch; chú trọng các chỉ tiêu phát triển bền vững,
tăng tính năng cụ thể hóa quy hoạch của kế hoạch 5 năm và hằng năm.
Đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh, đến hết năm 2013 cơ bản hoàn thành
việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tăng cường
hiệu quả, hiệu lực quản lý để bảo vệ, khai thác hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; ngăn chặn việc khai thác trái phép, khai thác
lãng phí các nguồn tài nguyên, thiên nhiên. Triển khai
thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với Biến đổi khí hậu giai đoạn
2013- 2015.
đ) Quốc phòng, an ninh và hoạt
động đối ngoại
Giữ vững ổn định chính trị và trật
tự an toàn xã hội. Chú trọng kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với củng cố
quốc phòng, an ninh. Xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng
phát triển. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Từng bước
nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang nhân dân, dân quân tự vệ,
lực lượng dự bị động viên. Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia
phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục
pháp luật về an toàn giao thông đối với người dân, hạn chế ở mức thấp nhất các
tai nạn giao thông xảy ra.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt
động đối ngoại và kinh tế đối ngoại, trọng tâm là triển khai thực hiện các thỏa
thuận hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc. Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương để
tích cực chủ động tham gia diễn đàn hợp tác quốc tế, các hoạt động xúc tiến
thương mại, xúc tiến đầu tư ngoài nước.
e) Đẩy mạnh cải cách hành
chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình
tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020. Tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, trong đó tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ
cương hành chính và đạo đức công vụ của
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ
được giao; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hoặc không hoàn thành
nhiệm vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt
động của hệ thống hành chính các cấp. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng,
nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ, công chức.
Tăng cường công tác thanh tra trách
nhiệm về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế- xã hội của các cấp, các ngành đi
đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thanh, kiểm tra. Tập trung chỉ
đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tổ chức thực
hiện các quyết định giải quyết đơn có hiệu lực pháp luật, không để hình thành
phát sinh điểm nóng về khiếu nại trên địa bàn. Kiên quyết đấu tranh chống tham
nhũng, lãng phí, tiêu cực trước hết là trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư
xây dựng, quản lý vốn, tài sản nhà nước. Thực hiện đồng bộ
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến mọi tầng lớp nhân dân
để nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành pháp luật.
g) Tiếp tục nâng cao chất lượng
hoạt động của các cơ quan tư pháp
Tập trung chỉ đạo, tiến hành nhiều
biện pháp đồng bộ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp
luật. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét
xử, thi hành án; công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, quản lý, giáo dục cải tạo phạm
nhân.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Toà án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức
thực hiện Nghị quyết này.
Thường trực Hội đồng nhân dân, các
Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám
sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 10
ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Lạng Sơn khóa XV, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 08 tháng 12 năm
2012./.