CHÍNH PHỦ-UỶ BAN
TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC
VIỆT NAM
******
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN
|
Hà Nội,
ngày 21 tháng 04 năm 2006
|
NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ “MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM GIÁM SÁT
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, ĐẢNG VIÊN Ở KHU DÂN CƯ”
CHÍNH
PHỦ - ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng
12 năm 2001;
Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2002;
Căn cứ Quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Nghị quyết này bản Quy chế “Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”.
Điều 2.
Quy chế này áp dụng ở một số xã, phường, thị trấn (gọi
chung là cấp xã); thôn, làng, ấp, bản, khu phố, tổ dân phố, cụm dân cư (gọi
chung là khu dân cư) tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh:
Ninh Bình, Quảng Bình, Tiền Giang.
Điều 3.
Nghị quyết này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng
Công báo.
Điều 4.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ
quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Nghị quyết này.
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phan Văn Khải
|
TM. ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Phạm Thế Duyệt
|
QUY CHẾ
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM GIÁM SÁT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, ĐẢNG
VIÊN Ở KHU DÂN CƯ
(Ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 05/2006/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày
21 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ và UBTWMTTQVN)
Quy chế này quy định hoạt động
giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cán bộ, công chức, đảng viên
(sau đây gọi chung là cá nhân) cư trú, làm việc ở xã, phường, thị trấn (sau đây
gọi chung là cấp xã), khu dân cư và những cá nhân tuy ở nơi khác nhưng công tác
trên địa bàn dân cư; giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi
chung là tổ chức) đóng trên địa bàn cấp xã, tập trung vào những tổ chức thường
xuyên tiếp xúc với dân, phụ trách những việc liên quan đến quyền lợi của dân.
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Mục đích giám sát
1. Thông qua hoạt động giám sát
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giúp cho cá nhân, tổ chức nâng cao ý thức, trách
nhiệm gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước,
những quy định ở khu dân cư; phát hiện những nhân tố mới, khuyến khích mặt tích
cực, kiến nghị biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt.
2. Giúp cho cấp ủy Đảng, chính
quyền các cấp và tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã nắm chắc hơn tình hình cán bộ,
công chức, đảng viên thuộc diện mình quản lý về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối
sống, quan hệ với dân trên cơ sở đó có hướng bồi dưỡng, sử dụng cán bộ tốt hơn;
phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, quan liêu xa dân, thiếu trách nhiệm
với dân; kịp thời giáo dục, xử lý những cán bộ, công chức, đảng viên có sai phạm,
góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, làm
trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên.
3. Góp phần nâng cao chất lượng
và hiệu quả hoạt động của tổ chức, nhất là những tổ chức giải quyết những việc
trực tiếp liên quan đến quyền lợi của người dân.
4. Thông qua hoạt động giám sát
để nâng cao vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
thành viên và nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền
trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với
nhân dân.
Điều 2.
Nguyên tắc giám sát
1. Đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy
Đảng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan nhà nước.
2. Quá trình hoạt động giám sát
không làm cản trở công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân và gia đình cán bộ,
công chức, đảng viên.
3. Hoạt động giám sát phải bảo đảm
công khai, khách quan, minh bạch theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Điều 3.
Chủ thể giám sát
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn (sau đây gọi
chung là Mặt trận Tổ quốc cấp xã).
Điều 4.
Đối tượng giám sát
1. Cá nhân làm việc tại cấp xã;
cư trú ở khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác và cá nhân công tác tại tổ chức
đóng trên địa bàn xã, khu dân cư.
2. Tổ chức đóng trên địa bàn xã,
khu dân cư thường xuyên tiếp xúc với dân, giải quyết những việc trực tiếp liên
quan đến quyền lợi của người dân.
Điều 5.
Quyền và trách nhiệm của chủ thể giám sát.
1. Quyền của chủ thể giám sát:
a) Người đứng đầu các tổ chức
thành viên của Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Trưởng ban Công tác Mặt trận tiếp nhận
đơn giám sát, ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, hội viên, đoàn viên. Sau
đó phân loại, lựa chọn các sự việc có nội dung và địa chỉ rõ ràng gửi Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã;
b) Đại diện Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã tiếp nhận đơn giám sát, ý kiến phản ánh trực tiếp của
nhân dân, người đứng đầu tổ chức thành viên, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng
Ban Thanh tra nhân dân;
c) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc cấp xã tổng hợp đơn giám sát, ý kiến phản ánh trực tiếp của nhân dân, của
các tổ chức thành viên, Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Trưởng Ban Thanh tra nhân
dân để phân loại, xử lý. Việc xử lý ý kiến, đơn giám sát theo trình tự sau đây:
Phân loại những sự việc có liên
quan đến cá nhân, tổ chức theo quy định tại Điều 4 Quy chế này.
Lựa chọn những ý kiến phát hiện,
đơn giám sát có nội dung, địa chỉ rõ ràng, báo cáo với Thường vụ Đảng ủy cấp xã
trước khi chuyển đơn giám sát và kiến nghị đến tổ chức có liên quan xem xét, giải
quyết và trả lời Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.
Khi cần thiết, Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã thành lập tổ giám sát. Nội dung giám sát, thành phần
tổ giám sát, kế hoạch giám sát do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp
xã quyết định sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.
2. Trách nhiệm của chủ thể giám
sát:
a) Trình bày trung thực nội dung
giám sát;
b) Nêu rõ tên người đại diện và
địa chỉ của tổ chức mình;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp
luật về nội dung đơn giám sát;
d) Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc cấp xã có trách nhiệm tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung giám sát khi
có yêu cầu của đối tượng bị giám sát;
đ) Sau khi có văn bản trả lời của
tổ chức, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã thông báo để tổ chức,
cá nhân đã kiến nghị, gửi đơn giám sát biết.
Điều 6.
Quyền và trách nhiệm của đối tượng giám sát
1. Quyền của đối tượng giám sát:
a) Đưa ra những bằng chứng để chứng
minh nội dung kiến nghị, giám sát là không đúng sự thực;
b) Yêu cầu được giải trình với tổ
chức có kiến nghị giám sát;
c) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có
thẩm quyền xử lý theo pháp luật đối với tổ chức, cá nhân đưa ra, kiến nghị sai
sự thật và thông báo công khai để cá nhân trong cơ quan, tổ chức, đơn vị biết về
kết luận vụ việc bị kiến nghị giám sát.
2. Trách nhiệm của đối tượng
giám sát:
a) Giải trình với tổ chức quản
lý mình về các nội dung bị kiến nghị giám sát;
b) Cung cấp thông tin tài liệu
liên quan đến nội dung giám sát; giải trình những vấn đề liên quan theo yêu cầu
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã khi tiến hành hoạt động giám sát tại tổ chức;
c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết
định xử lý của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền;
d) Trả lời kiến nghị giám sát do
chủ thể giám sát gửi đến;
đ) Khắc phục những hậu quả do
hành vi sai trái gây ra, nếu có thiệt hại phải bồi thường theo quy định của
pháp luật.
Chương 2:
NỘI DUNG GIÁM SÁT
Điều 7.
Đối với cá nhân công tác tại cấp xã, khu dân cư
Giám sát, phát hiện, kiến nghị xử
lý cá nhân có hành vi vi phạm sau đây:
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
làm trái quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý sử dụng đất đai; thu
chi các loại quỹ, thuế, lệ phí; cấp các loại giấy phép, chứng thực xác nhận hồ
sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ; sử dụng ngân sách xã và các khoản đóng góp của
nhân dân. Làm trái quy ước, hương ước ở khu dân cư; nội quy, quy chế làm việc,
quy định về công khai thủ tục hành chính của tổ chức.
2. Thiếu trách nhiệm phục vụ
nhân dân, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết các công việc của dân, nhận
tiền, lợi ích vật chất khác của dân liên quan đến công việc mà mình giải quyết.
3. Tổ chức, bao che, tham gia
đánh bạc, số đề, cá cược, môi giới, buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy; hoạt
động mại dâm; gây ô nhiễm môi trường.
4. Hoạt động tín ngưỡng, tôn
giáo trái với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
5. Vi phạm chính sách, pháp luật
về dân số, kế hoạch hóa gia đình, vi phạm luật hôn nhân và gia đình.
Điều 8.
Đối với cá nhân cư trú ở cấp xã, khu dân cư nhưng công
tác ở nơi khác.
1. Phát hiện những hành vi sai
trái, thiếu trách nhiệm của cá nhân trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; hương ước, quy ước của khu dân cư và trong việc tham gia các
hoạt động do cấp xã, khu dân cư tổ chức và vận động.
2. Phát hiện, kiến nghị xử lý
hành vi không trung thực kê khai nhà đất và tài sản, có bất minh về nhà đất và
các tài sản khác.
3. Phát hiện, kiến nghị xử lý hành
vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5 Điều 7 Quy chế này.
Điều 9.
Đối với cá nhân công tác tại tổ chức đóng trên địa bàn cấp
xã
Giám sát, phát hiện, kiến nghị xử
lý các hành vi vi phạm sau đây:
1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để
làm trái quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quản lý đất đai; thu chi các loại
quỹ, thuế, lệ phí; cấp các loại giấy phép, đăng ký, công chứng, chứng thực, xác
nhận hồ sơ, tài liệu, văn bằng, chứng chỉ. Làm trái nội quy, quy chế làm việc,
quy định và công khai các thủ tục của tổ chức.
2. Vi phạm các khoản 2, 3, 4, 5
Điều 7 Quy chế này.
Điều 10.
Đối với tổ chức cấp xã và tổ chức đóng trên địa bàn cấp
xã
1. Phát hiện, đề nghị tổ chức khắc
phục những hành vi sai trái, thiếu ý thức chấp hành và thực hiện nghị quyết,
quyết định của chính quyền cấp xã, các quy ước, hương ước của khu dân cư và
tham gia các hoạt động do cấp xã, khu dân cư tổ chức.
2. Phát hiện, kiến nghị với tổ
chức xử lý cá nhân thuộc diện quản lý có các hành vi vi phạm quy định tại Điều
7 Quy chế này.
Chương 3:
TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN,
TỔ CHỨC KHI TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ GIÁM SÁT
Điều 11.
Khi tổ chức nhận được kiến nghị của Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã có trách nhiệm:
1. Xem xét, giải quyết và trả lời
trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.
2. Trong trường hợp Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã không tán thành với việc trả lời hoặc không
nhận được văn bản trả lời thì có quyền thông báo lên tổ chức cấp trên trực tiếp
xem xét, giải quyết và trả lời cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp
xã trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị.
3. Trong trường hợp cơ quan nhà
nước cấp trên trực tiếp không trả lời theo thời hạn trên, hoặc việc trả lời
không được Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chấp nhận, Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã trực tiếp báo cáo lên Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp tỉnh để báo cáo lên Ban Thường trực
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo xử lý.
Điều 12.
Khi nhận được đơn tố cáo của công dân thì cá nhân, tổ chức
có thẩm quyền trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp
luật về khiếu nại, tố cáo.
Chương 4:
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI
PHẠM
Điều 13.
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động giám
sát sẽ được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền biểu
dương, khen thưởng.
2. Hàng năm, chính quyền các cấp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
cùng cấp tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm về Mặt trận Tổ quốc tham gia giám
sát cán bộ, công chức, đảng viên, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích
cực, thiết thực và có hiệu quả trong hoạt động giám sát.
3. Quỹ khen thưởng cho hoạt động giám sát được trích từ quỹ khen thưởng của Ủy
ban nhân dân các cấp. Hình thức và mức khen thưởng thực hiện theo quy định của
pháp luật về thi đua khen thưởng và quyết định của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
Điều 14. Người có hành vi
trả thù, trù dập người phát hiện, kiến nghị, tố cáo hoặc bao che cho người có
hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, kiến nghị xử lý
người có hành vi vi phạm thì tùy theo mức độ đều bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành
chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 15. Những hành vi lợi
dụng quyền giám sát để gây rối, làm mất uy tín hoặc tổn hại đến danh dự, nhân
phẩm của cá nhân và uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, đơn vị bị giám sát
thì tùy theo mức độ đều bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu
trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân
các cấp có trách nhiệm thi hành và phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để thực
hiện Quy chế này.
Điều 17. Các tổ chức và cá
nhân có liên quan có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh những quy định trong
Quy chế này.
Điều 18. Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện ở một số
xã, phường, thị trấn của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh
Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang để rút kinh nghiệm, thống nhất với Chính phủ
và báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định./
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
Phan Văn Khải
|
TM. ỦY BAN TRUNG ƯƠNG
MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
Phạm Thế Duyệt
|